Nhật Bản “tuyên chiến thương mại” với Hàn Quốc

VietTimes -- Nhật Bản vừa tuyên bố loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi trong quá trình xuất khẩu, làm gia tăng tranh chấp thương mại giữa hai nước và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu đối với mặt hàng smartphone và trang thiết bị điện tử.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã đẩy hai nước tới sát bờ vực một cuộc chiến thương mại (Ảnh: FT)
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã đẩy hai nước tới sát bờ vực một cuộc chiến thương mại (Ảnh: FT)

Quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi cái gọi là danh sách trắng đồng nghĩa với việc, các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc giờ sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra gắt gao để đảm bảo chúng không được sử dụng vì mục đích chế tạo vũ khí hay trang thiết bị quân sự. Lệnh giới hạn mới sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8.

Được biết, Hàn Quốc từng là quốc gia châu Á duy nhất được ghi vào danh sách trắng của Nhật. Việc tước bỏ hiện trạng ưu tiên của Hàn Quốc khiến nước này được Nhật Bản ứng xử giống như các nước và vùng lãnh thổ khác của châu Á - như Đài Loan - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong hôm 2/8.

"Đây không phải một lệnh cấm thương mại" - ông Suga khẳng định.

Trong một cuộc họp với người đồng cấp Nhật Bản bên lề một hội nghị thượng đỉhh hôm 2/8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng quyết định mà Tokyo đưa ra là đáng tiếc, đồng thời đề nghị Tokyo "lập tức hủy các biện pháp giới hạn nhập khẩu không công bằng" đối với họ - theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc còn gọi quyết định của Nhật là một "lời tuyên bố về chiến tranh kinh tế toàn lực nhằm vào đất nước chúng ta" trong một đoạn tweet từ tài khoản chính thức của họ, thêm rằng quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đang trong một cuộc "khủng hoảng".

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã giảm khoảng 1% ngay trong phiên giao dịch sáng hôm 2/8.

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản, nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 54 tỷ USD của Nhật, trong đó bao gồm các máy móc công nghiệp, hóa chất và xe hơi - theo dữ liệu thương mại mà Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) công bố mới đây.

Một tấm biển kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản xuất hiện tại một siêu thị ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Một tấm biển kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản xuất hiện tại một siêu thị ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Bất đồng thương mại giữa hai nước bắt đầu từ tháng trước, khi Tokyo áp lệnh kiểm soát hàng xuất khẩu 3 loại hóa chất sang Hàn Quốc. Các loại hóa chất này - Fluorinated polyamides, photoresists và hydrogen fluoride - đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tạo chip máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác.

Lệnh giới hạn xuất khẩu đòi hỏi các công ty Nhật phải xin giấy phép để xuất khẩu 3 loại hóa chất trên sang Hàn Quốc. Tiến trình xin giấy phép có thể kéo dài tới 90 ngày. Các lệnh giới hạn này hiện đang gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tập đoàn Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc cung cấp tới 2/3 tổng lượng chip bộ nhớ của toàn thế giới, được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ smartphone cho tới xe hơi được kết nối. Các hãng sản xuất smartphone, trong đó có Apple và Huawei, cũng phải dựa vào nguồn cung chip bộ nhớ từ các công ty của Hàn Quốc.

Tính đến trưa hôm 2/8, Samsung vẫn chưa đưa ra bình luận gì về động thái của Nhật. Khi được hỏi về các giới hạn thương mại này, Giám đốc phòng quan hệ đầu tư của Samsung, Robert Yi, nói rằng công ty của ông đang "đối diện với nhiều khó khăn" do các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Tokyo.

SK Hynix cũng chưa đưa ra bình luận gì về động thái mới của Nhật. Tuy nhiên, hồi tháng trước, họ cảnh báo rằng doanh số bán hàng của công ty trong nửa sau năm nay sẽ suy giảm, thêm rằng có khả năng hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn nếu như lệnh hạn chế xuất khẩu kéo dài. SK Hynix cho hay họ đang cố gắng dự trữ các loại hóa chất trên nhiều nhất có thể.

Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng trong những tháng qua, chủ yếu liên quan tới tranh chấp trong giai đoạn bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật đô hộ hồi đầu thế kỷ 20. Tòa án cấp cao của Hàn Quốc mới đây phán quyết rằng, công dân của họ có thể khởi kiện các công ty Nhật vì sử dụng lao động nô lệ người Hàn Quốc trong Thế chiến II. Nhật Bản thì bác bỏ luận điểm trên, cho rằng 2 vấn đề này không liên quan.

Theo CNN