|
Tàu cảnh sát Biển Nhật xua đuổi tảu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Theo hãng tin Kyodo News ngày 25/2, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tại hội nghị liên tịch giữa Nhóm Quốc phòng và Ủy ban Điều tra bảo đảm An ninh của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền: nếu tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có ý đồ đổ bộ lên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và tuyên bố đòi chủ quyền), phía Nhật Bản có thể coi đây là "phạm tội ác ý" và có thể "nổ súng gây nguy hại" đối với đối phương.
Theo Kyodo, những người có liên quan của Đảng Dân chủ Tự do đã tiết lộ tin này sau cuộc họp.
Kyodo cũng cho biết, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby trong cuộc họp báo ngày 23/2 đã yêu cầu các tàu của Hải cảnh Trung Quốc nên “ngừng xâm phạm lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku”. Đáp lại, ngày 24/2 ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ rằng “quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không được làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba, càng chưa nói đến hòa bình và ổn định của khu vực”.
|
Tháng 7/2020, 9 tàu và nhiều máy bay của hải quân Mỹ, Nhật, Australia tập trận chung từ Biển Đông đến vùng biển Guam, Nhật tuyên bố cuộc diễn tập này nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 25/2 nhận xét, Luật Hải cảnh của Trung Quốc được coi là nhằm trực tiếp tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản đã nhiều lần phản đối. Cảnh sát biển Nhật Bản và Cảnh sát biển Mỹ đã tổ chức huấn luyện chung tại vùng biển của quần đảo Ogasawara vào ngày Chủ nhật (21/2). Hai bên đã cử các tàu tham gia, gồm tàu tuần tra Akitsushima 6.500 tấn của Nhật Bản và tàu Kimball 4.500 tấn của Mỹ tiến hành tập trận trong khoảng 3 giờ, bắt đầu từ 9 giờ sáng 21/2, tại vùng biển quanh các đảo Chichijima và Hahajima thuộc quần đảo Ogasawara ở Thái Bình Dương. Các tình huống được đặt ra là xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm nhập đánh bắt trái phép, xác nhận và chia sẻ thông tin, truy đuổi, lên tàu kiểm tra, v.v. Đông Phương cho rằng đây là phản ứng của Nhật Bản đối với Luật Hải cảnh của Trung Quốc.
Sự đối đầu Nhật – Trung từ biển Hoa Đông kéo dài tới Biển Đông. Kyodo News hôm thứ Sáu đưa tin rằng hai máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật đã bay qua đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trên Biển Đông hồi tháng 8/2018. Trung Quốc sau đó tuyên bố phản đối Nhật Bản với lý do "bay qua mà không xin phép", nhưng Nhật Bản lập tức bác bỏ điều đó với lý do Trung Quốc "hạn chế đối với quyền tự do bay".
|
Máy bay P-3C của Nhật từng bay qua đá Vành Khăn hồi 2018 (Ảnh: Dwnews). |
Được biết, các máy bay này của Nhật sau khi tham gia vào các hoạt động chống cướp biển Somalia ở châu Phi, đã bay qua vùng trời liên quan trên đường về nhà để tránh các đám mây tích vũ. Do đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nên phía Nhật Bản đã thông báo và được phía Philippines đồng ý từ trước, nhưng không thông báo cho Trung Quốc. Có thông tin cho rằng các máy bay tuần tra của Nhật không bay qua ngay trên Đá Vành Khăn, nhưng cách khá gần.
Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc chiều 25/2 khi đưa tin Nhật tuyên bố sẽ nổ súng nếu tàu Hải cảnh Trung Quốc có ý định đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã nói Nhật Bản sớm phản kháng Trung Quốc cho tàu Hải cảnh đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đáp trả, nói đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết là lãnh thổ Trung Quốc từ xa xưa, hoạt động tuần tra chấp pháp của tàu Hải cảnh Trung Quốc ở đó là hành vi chính đáng để bảo vệ chủ quyền. Thời báo Hoàn cầu cho rằng, gần đây một số cơ quan truyền thông Nhật Bản đã thổi phồng khả năng xảy ra xung đột Trung - Nhật trên quần đảo Điếu Ngư. Trang Nihon Keizai Shimbun ngày 24/2 viết, xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Thung lũng Galwan xảy ra trên bộ và xung đột biên giới tiếp theo có thể xảy ra trên biển. Trung Quốc rất coi trọng ‘quần đảo Điếu Ngư’ trong vấn đề trên biển, sắp tới có thể xảy ra xung đột với Nhật Bản, quần đảo Senkaku phải ở trong tình trạng báo động.
Nihon Keizai Shimbun ngày 25/2 bình luận nói, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/2 tuyên bố ủng hộ Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku, đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra tuyên bố rõ ràng về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku. Trong khi thúc giục Trung Quốc kiềm chế, Mỹ cũng đã tăng cường cảnh giác trong việc ứng phó các xung đột có thể xảy ra ở vùng biển này.
|
Tàu cảnh sát biển Nhật (phải) và Mỹ (trái) tập trận chung trên vùng biển quần đảo Ogasawara hôm 21/2 (Ảnh: Đông Phương). |
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Hoàn cầu ngày 25/2 cho rằng: “Một số phần tử cánh hữu ở Nhật Bản sẽ gây rắc rối với vấn đề quần đảo Điếu Ngư và vấn đề phân định biển Hoa Đông, hy vọng liên kết với Mỹ để tấn công Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư. Đồng thời, quần đảo Điếu Ngư đã trở thành một điểm nóng về xung đột mà Mỹ ‘thích nhìn muốn thấy’; mục tiêu của họ là lợi dụng những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản để đoàn kết với các đồng minh. chống lại Trung Quốc. Do đó, các chính phủ kế tiếp nhau ở Nhật Bản và Mỹ đều nhấn mạnh cái gọi là sự đồng thuận về quần đảo Điếu Ngư thích hợp Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”.
Về việc một số cơ quan truyền thông Nhật Bản thổi phồng “quần đảo Senkaku có thể trở thành biên giới Trung Quốc - Ấn Độ tiếp theo”, Tống Trung Bình nói rằng "rất khó để thành công". Chuyên gia quân sự này giải thích rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều năm qua về cơ bản vẫn duy trì nguyên tắc gác lại tranh chấp. Từ quan điểm của Trung Quốc, Trung Quốc hy vọng sẽ coi Nhật Bản như một nước láng giềng tốt, quản lý khủng hoảng và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông “có vấn đề gì đều có thể được đàm phán và thương lượng, nhưng tốt nhất là nên kiềm chế và không nên sử dụng vũ lực”.