Nhật Bản hỗ trợ sinh phẩm cho Việt Nam, giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Corona

VietTimes -- Chiều ngày 7/2, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã trao tặng lô hàng viện trợ gồm nhiều loại sinh phẩm tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV).
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng lô hàng viện trợ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để ứng phó với nCoV. Ảnh: Minh Thúy
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng lô hàng viện trợ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để ứng phó với nCoV. Ảnh: Minh Thúy

Tại buổi lễ, ông Đặng Việt Hùng – Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Lô hàng viện trợ gồm nhiều loại sinh phẩm của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản giúp xét nghiệm nhanh nCoV, từ đó, các y, bác sĩ có thể phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh để cách ly, điều trị có hiệu quả, ứng phó kịp thời với bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp.

Ông Đặng Việt Hùng – Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy
Ông Đặng Việt Hùng – Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy

TS. Đặng Đức Anh – Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – cho biết, với lô hàng gồm nhiều loại sinh phẩm đến từ Nhật Bản, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ thực hiện được các xét nghiệm nCoV một cách nhanh chóng.

Hôm nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân lập, nuôi cấy thành công chủng mới của virus Corona. Cùng sự viện trợ tới từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, đây là một tín hiệu đáng mừng giúp ngành y tế sử dụng, để sản xuất mẫu sinh phẩm chẩn đoán nhanh và xác định được các phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp. 

TS. Đặng Đức Anh – Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
TS. Đặng Đức Anh – Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy 

Đại diện JICA cho biết, từ năm 2006, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã có sự hợp tác chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để hỗ trợ phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Đến nay, dự án giai đoạn 3 “Nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam, Lào, Campuchia (2017 – 2022)” đã phái cử 2 chuyên gia dài hạn làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực xét nghiệm cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ảnh: Minh Thúy
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ảnh: Minh Thúy 

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV diễn biến ngày càng phức tạp, JICA đã hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị y tế cần thiết cho Việt Nam, đặc biệt là lô hàng gồm nhiều loại sinh phẩm trị giá khoảng 14 triệu yên, góp phần thực hiện các xét nghiệm để phát hiện nhanh và chính xác nCoV.

Trước khi xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, Việt Nam đã phải trải qua nhiều đại dịch như SARS-CoV (2003), H5N1 (2004),… nhưng tại thời điểm đó, Việt Nam vẫn chưa được trang bị phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 để thực hiện xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Lễ trao tặng hàng viện trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Lễ trao tặng hàng viện trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy 

Để hỗ trợ Việt Nam trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai 3 dự án gồm: Dự án viện trợ không hoàn lại “Lắp đặt phòng an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương” (2006) và 2 Dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm “Tăng cường năng lực cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về kiểm soát các bệnh dịch lây nhiễm mới” (2006-2010) và “Nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho mạng lưới phòng xét nghiệm (2011-2016)”.

Đáng chú ý, với ca nhiễm nCoV đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 23/1, một bác sĩ người Nhật (chuyên gia của JICA) đã cung cấp các tài liệu tham khảo cho Khoa chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện để hỗ trợ đào tạo ứng phó với dịch bệnh cho các bác sĩ. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương được Bộ Y tế chỉ đạo là đơn vị thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV tại khu vực miền Bắc.

Tính đến 15h ngày 7/2, toàn thế giới đã có 639 ca tử vong cùng 31.500 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó:

Lục địa Trung Quốc: 637 người tử vong;

Phillippines: 1 người tử vong.

Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 12 người nhiễm nCoV gồm:

2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện)

5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện)

1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện)

1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.

1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó

2 trường hợp là mẹ đẻ và em ruột của một bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Hiện 3 người đã được điều trị khỏi và xuất viện.