|
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Ảnh: Cankao. |
Theo đánh giá của chuyên gia Mỹ, hiện nay Nhật Bản lệ thuộc nghiêm trọng vào máy bay chiến đấu F-15, Mỹ cũng chưa chế tạo được loại có ưu thế hơn để xuất khẩu. Vì vậy, Nhật Bản đang mất ưu thế trên không so với Trung Quốc.
Tờ The Diplomat ngày 17/2 đăng bài viết của tổng biên tập Abraham Eyth cho rằng năm 1980 Nhật Bản đã nhận được lô máy bay chiến đấu F-15J đầu tiên. Khi đó, Nhật Bản cùng với Iran, Israel và Saudi Arabia là 4 quốc gia được Mỹ bán cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến này.
Ngoài các vũ khí trang bị mạnh khác, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản khi đó biên chế 200 máy bay chiến đấu F-15, trở thành lực lượng không quân có thực lực đứng thứ ba thế giới, đồng thời giữ vinh dự này trong cả thập niên 1980. Chỉ có Mỹ và Liên Xô đã triển khai máy bay với số lượng tương tự và thực lực tương đương.
Do Nhật Bản và Mỹ là đồng minh, vì vậy Liên Xô bị coi là kẻ thù tiềm tàng hàng đầu của Nhật Bản - quốc gia Đông Á này trong thời gian dài. Xét thấy Mỹ hiện diện quân sự rộng lớn ở Nhật Bản, một khi hai siêu cường bùng nổ xung đột công khai, 80 - 90% Nhật Bản sẽ bị lôi kéo vào.
Cùng với sự tan rã của Liên Xô và kinh tế Nga gặp khó khăn sau đó, vì vậy một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất và mạnh nhất thế giới như máy bay chiến đấu đã được xuất khẩu rộng rãi.
Trung Quốc rõ ràng là người được lợi chủ yếu, thậm chí đã tìm cách nghiên cứu phát triển ra máy bay đánh chặn thế hệ thứ ba vào thập niên 1980, đến cuối thập niên 1990 đã sở hữu một số máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến nhất thế giới.
Trung Quốc đã nhận được 150 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30, làm cho máy bay chiến đấu F-15C của Mỹ và F-15 của Nhật Bản mất đi ưu thế. Dựa trên những thiết kế này, Trung Quốc đã chế tạo trên 300 máy bay chiến đấu J-11, loại máy bay này rất giống với máy bay chiến đấu Trung Quốc mua của Nga.
Lô máy bay J-11 đầu tiên thực ra chính là máy bay chiến đấu Su-27 được sản xuất theo giấy phép. F-15J cuối cùng đã gặp đối thủ trên không. Trong 10 năm, Nhật Bản đã chuyển sang thế yếu về công nghệ và số lượng máy bay chiến đấu.
Trung Quốc có thể tận dụng kinh nghiệm tác chiến có hạn điều khiển máy bay chiến đấu động cơ phản lực chống lại không quân Mỹ vào thập niên 1950, trong khi đó Nhật Bản lại thiếu điều này, bởi vì từ khi bắt đầu thời đại máy bay phản lực đến nay Nhật Bản chưa từng tiến hành không chiến. Vì vậy, kết cục của xung đột rất có thể là do nhân tố công nghệ chứ không phải chất lượng phi công quyết định.
Cuộc tập trận tổ chức ở Ấn Độ vào năm 2004 đã cho thấy loại máy bay nào có thể giữ ưu thế trong chiến đấu không đối không. Khi đó, máy bay chiến đấu Su-30 của Ấn Độ đối kháng với máy bay chiến đấu F-15C, loại máy bay tiên tiến nhất khi đó của không quân Mỹ.
Kết quả, máy bay chiến đấu Sukhoi của Ấn Độ mua từ Nga đã chiếm ưu thế, tỷ lệ thắng là 9/1. Đối với không quân Nhật Bản, đây không phải là một điềm báo tốt, bởi vì thực lực của máy bay chiến đấu J-11 và Su-30 rất gần nhau, trong khi đó ưu thế trên không của Nhật Bản lệ thuộc nghiêm trọng vào F-15.
Mặt khác, Trung Quốc và Nga đã nghiên cứu phát triển được tên lửa hiện đại tương thích với các máy bay chiến đấu hiện đại và kiểu cũ, vì vậy những máy bay chiến đấu Trung Quốc sử dụng những tên lửa này có ưu thế rõ rệt so với máy bay chiến đấu Nhật Bản.
Do các năng lực tầm xa khác như radar của máy bay chiến đấu J-11 và F-15J hầu như ngang nhau, vì vậy tên lửa hiện đại, tầm xa hơn rất có thể là ưu thế mang tính quyết định của J-11.
J-11 có khả năng leo cao, có tỷ lệ giữa lực đẩy và trọng lượng ưu thế hơn, có thể phát động tấn công từ góc độ cao hơn. Nó có tính cơ động rất mạnh, có thể chịu được quá tải lớn hơn so với máy bay chiến đấu F-15.
Trên thực tế, ưu thế duy nhất của máy bay chiến đấu F-15J là tốc độ bay của nó nhanh hơn một chút, đạt 2,6 Mach, cao hơn 2,35 Mach của đối thủ, trần bay thực tế là 20.000 m, cao hơn 19.000 m của đối thủ, nòng pháo chứa được nhiều đạn hơn. Nhưng những điều này đều không có nhiều khả năng gây ảnh hưởng mang tính quyết định đối với kết quả giao chiến với J-11.
Cùng với việc đưa vào sử dụng một số vũ khí mới (nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 sẽ biên chế thời gian tới, tên lửa không đối không PL-15 tầm bắn trên 300 km, máy bay chiến đấu J-11D...), ưu thế của Trung Quốc đang không ngừng mở rộng.
Do Mỹ không chế tạo được loại máy bay mạnh hơn F-15 để xuất khẩu, Nhật Bản không thể có được loại máy bay chiến đấu hạng nặng để có thể tiến hành đọ sức với phiên bản cơ bản nhất của J-11. Đó là còn chưa nói đến những loại mới hơn và mạnh hơn của Trung Quốc.