Nhật Bản có thay đổi lớn trong chính sách năng lượng, tiếp tục đầu tư vào vào điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhật Bản thông qua chính sách mới, thúc đẩy tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân trong một quyết định đảo ngược hoàn toàn kế hoạch loại bỏ dần nguồn điện năng này, được thiết lập sau thảm họa Fukushima.
Ảnh minh họa chính sách năng lượng hạt nhân Nhật Bản. Ảnh E&T
Ảnh minh họa chính sách năng lượng hạt nhân Nhật Bản. Ảnh E&T

Đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và giá năng lượng tăng cao, chính quyền Tokyo thực hiện động thái chấm dứt lệnh cấm xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, được duy trì trong 11 năm.

Chính sách năng lượng mới đặt ra định hướng, Nhật Bản phải tối đa hóa sử dụng những lò phản ứng hạt nhân hiện nay, thực hiện các biện pháp khởi động lại càng nhiều lò phản ứng càng tốt, kéo dài tuổi thọ hoạt động của những lò phản ứng cũ, đã vượt quá giới hạn 60 năm, phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo để thay thế.

Nội dung của chính sách mới mô tả năng lượng hạt nhân có "vai trò quan trọng như một nguồn năng lượng chịu tải trọng cơ bản trong nỗ lực duy trì sự ổn định điện năng cả nước và trung hòa carbon", cam kết "duy trì khai thác sử dụng tiềm lực năng lượng hạt nhân trong tương lai".

Dự luật được đề xuất là sự đảo ngược hoàn toàn những biện pháp an toàn hạt nhân mà quốc gia này áp đặt sau thảm họa sóng thần, phá hủy nguồn cung cấp điện dự phòng Fukushima Daiichi, 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân gặp tai nạn kỹ thuật khiến lõi lò phản ứng bị tan chảy.

Trong hơn một thập kỷ, chính phủ Nhật Bản cố gắng tránh xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới hoặc thay thế những lò phản ứng cũ do lo ngại phản ứng dữ dội từ phía công chúng. Động thái này cũng phù hợp với kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân của chính phủ vào năm 2030.

Trong thập kỷ qua, trong số 25 lò phản ứng được yêu cầu tái khởi động, chỉ có 10 lò phản ứng hoạt động trở lại. Nhưng trong một cuộc họp về chính sách năng lượng vào tháng 8, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho nội các chính phủ xem xét khả năng phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng quốc gia.

"Chuyển đổi xanh liên quan đến sự chuyển đổi lớn về kinh tế và xã hội, trên cơ sở sự phát triển và tiềm lực công nghệ của mỗi quốc gia, có thể làm thay đổi hình thái đất nước", ông Kishida phát biểu và nhấn mạnh, các kế hoạch cần được Quốc hội thông qua.

Kế hoạch do Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản soạn thảo sẽ cho phép gia hạn 10 năm một lần cho những lò phản ứng đã hoạt động được 30 năm, đồng thời cũng cho phép các công ty điện lực trừ đi thời gian ngoại lưới trong tính toán tuổi hoạt động của những lò phản ứng hạt nhân, vượt quá giới hạn 60 năm hiện nay.

Chính sách này được Văn phòng giám sát Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân phê duyệt vào ngày 21/12, mở đường cho chính sách được thông qua ở Quốc hội.

Trước cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, khoảng một phần ba điện năng của Nhật Bản được sản xuất ra từ các nguồn hạt nhân. Năm 2020, con số này chưa đến 5% nhưng mục tiêu của Tokyo là nâng lên đến 20-22% vào cuối thập kỷ này.

Do thiếu đầu tư vào công nghệ này, phần lớn các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã trên 30 năm tuổi. 4 lò phản ứng, hoạt động hơn 40 năm đã nhận được sự cho phép tiếp tục sản xuất điện năng và một lò phản ứng hiện đang hoạt động.

Nhật Bản không chỉ đặt mục tiêu khởi động lại các lò phản ứng hiện có. Nội dung bộ tài liệu chính sách mới được công khai cũng cho thấy mong muốn của chính phủ trong nỗ lực thúc đẩy phát triển và xây dựng "lò phản ứng hạt nhân sáng tạo thế hệ tiếp theo" với những tính năng an toàn hơn để thay thế khoảng 20 lò phản ứng hiện đang có kế hoạch cho ngừng hoạt động.

Bất chấp sự do dự trong quá khứ về khả năng khai thác và sử dụng năng lượng hạt nhân, thủ tướng Kishida trong một tuyên bố trước đó tin tưởng rằng, cử tri Nhật Bản sẽ dễ dàng tiếp nhận năng lượng hạt nhân hơn do chi phí nhiên liệu tăng và cam kết rộng rãi của nhà nước trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.

Ủy viên của cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân, Shinichi Yamanaka, trong một cuộc họp báo phát biểu, những quy tắc an toàn mới, yêu cầu giấy phép hoạt động mỗi thập kỷ sau 30 năm khai thác sử dụng sẽ an toàn hơn so với lựa chọn gia hạn 20 năm một lần hiện nay cho các lò phản ứng hạt nhân trên 40 năm tuổi.

Những các chuyên gia như Takeo Kikkawa, GS kinh tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản không đồng ý. Ông cho rằng, việc kéo dài tuổi thọ hoạt động của các lò phản ứng cũ không an toàn.

Ông nói trong một chương trình tọa đàm truyền hình: "Đương nhiên, chúng ta nên hướng đến công nghệ mới hơn và sử dụng một cách an toàn. Do đó việc kéo dài tuổi thọ của những lò phản ứng đã cũ là một động thái không mong muốn."

Các chuyên gia khác tuyên bố rằng, năng lượng hạt nhân không linh hoạt và không rẻ hơn năng lượng tái tạo khi quản lý chất thải cuối cùng và những biện pháp an toàn cần thiết cần được thực hiện.

Ruiko Muto, nạn nhân sống sót sau thảm họa Fukushima, gọi chính sách mới là "cực kỳ đáng thất vọng". Bà nói: "Thảm họa Fukushima vẫn chưa kết thúc và chính phủ dường như đã quên những gì xảy ra."

Chính sách hạt nhân mới cũng cập nhật sau một số động thái của chính phủ Nhật Bản, thúc đẩy mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo và thành lập "Hội đồng thực hiện GX (Chuyển đổi xanh)", để biên soạn một chính sách mới, giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu và đạt được mức trung hòa carbon năm 2050.

Hội đồng Chuyển đổi Xanh đã thông qua kế hoạch sản xuất năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng chính của Nhật Bản và thúc đẩy phát triển hơn nữa các công nghệ, sử dụng khí hydro và amoniac, năng lượng gió ngoài khơi và các dạng năng lượng khác nhằm đạt được mục tiêu trung hòa cacbon, khả năng ổn định nguồn cung năng lượng sạch và an ninh kinh tế.

Chiến lược mới của chính phủ Nhật Bản, được hỗ trợ từ một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Theo nội dung của báo cáo này, có khả năng không còn con đường nào khác đạt được các mục tiêu không phát thải carbon năm 2050 mà không bao gồm việc sử dụng và mở rộng năng lượng hạt nhân như một bước chuyển tiếp.

IEA cho biết, "Năng lượng hạt nhân có tiềm năng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia chuyển đổi an toàn sang các hệ thống năng lượng, được xây dựng trên cơ sở các nguồn năng lượng tái tạo."

Cuộc khủng hoảng Fukushima được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, Ukraine tháng 4/1986, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố một khu vực sơ tán dài 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân.

Mặc dù không có trường hợp tử vong hoặc nhiễm bệnh phóng xạ do tai nạn hạt nhân gây ra, hơn 100.000 người đã được sơ tán khỏi khu định cư như một biện pháp phòng ngừa, rất nhiều người đã không quay trở lại. 7 năm sau thảm họa, theo một báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh, mức độ phóng xạ trong khu vực xảy ra thảm họa vẫn cao gấp 100 lần so với bình thường.

Theo E&T