|
Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc |
Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2015, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc đạt 2,27 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2014.
Đây cũng là mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất trong số 45 mặt hàng mà nước ta nhập từ Trung Quốc.
Vào quý I năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hoá vào Việt Nam với trị giá 11,47 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong cùng thời điểm trên, trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 3,54 tỷ USD. Như vậy, nước ta đang thâm hụt thương mại gần 8 tỷ USD trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Việc Việt Nam nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc đã kéo dài từ lâu. Qua đó cho thấy, những dự đoán về tình trạng nhập khẩu máy móc cũ từ Trung Quốc là có thật.
Từng trao đổi với Đất Việt về chuyện này, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nói thẳng: "Trung Quốc đang có chiến dịch thải loại các công nghệ cũ, lạc hậu trong khi Việt Nam rất thích nhập máy móc rẻ của Trung Quốc, thậm chí khi nhập lại có "quà" nên chẳng tội gì mà không nhập. Cứ nhìn con số nhập khẩu móc máy, thiết bị tăng lên rất nhanh thì rõ (...) Tại Việt Nam, các quy tắc về tiếp nhận công nghệ rẻ, lạc hậu không rõ ràng hoặc không đủ sức để ngăn chặn".
Ông Sơn cho rằng, không thể đổ rằng doanh nghiệp hám lợi nên nhập công nghệ lạc hậu về. Họ mua máy hiện đại, chất lượng tốt về nhưng thị trường thế này biết bán cho ai?.
"Đấy là lỗi trong đường hướng chung của vĩ mô, các chính sách để tạo ra chi phí cho việc nhập khẩu ở Việt Nam rất yếu kém, chưa ai quan tâm, nếu có quan tâm cũng chẳng làm được. Đến cái ụ nổi nước ngoài vất đi mà Việt Nam còn rước về được hay vụ Bio-Rad vừa rồi... Là vì doanh nghiệp nhà nước đông như thế, đi nhập hàng, mua hàng về đều có hoa hồng thì tại sao không làm?
Bởi thế, máy chỉ cần nhập về, lắp đặt cho nó chạy ra sản phẩm là đã thành công, còn hỏng hóc thế nào, sản phẩm không bán được, chất lượng kém thì không cần biết.
Nếu là doanh nghiệp tư nhân họ phải tính toán rõ ràng máy móc vận hành thế nào, giá cả ra sao, có phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không, làm sao bán được hàng thu tiền về bù vào chi phí đã bỏ ra mua máy...
Đấy là vấn đề khác biệt vô cùng lớn giữa sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Chính vì thế tại sao người ta cứ nói sở hữu công cộng, sở hữu nhà nước bao giờ cũng không hiệu quả", ông Sơn phân tích.
Theo Đất Việt