Nhân quyền, tư tưởng vượt thời gian của Hồ Chí Minh về lợi ích cốt lõi của cách mạng

Thái Hạo
Thái Hạo

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhân quyền không những là tư tưởng nền tảng mà còn là đích đến của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã xác quyết và kiên định tinh thần ấy. Ngày nay, tinh thần/mục tiêu ấy vẫn cần được coi là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng đất nước hùng cường.

LTS: VietTimes trân trọng giới thiệu quan điểm của nhà giáo Thái Hạo về tư tưởng nhân quyền vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2022). Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.


Ngày 2/9/1945 mãi mãi trở thành một cột mốc kỳ vĩ trong lịch sử dân tộc. Đó không chỉ là ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đoạn tuyệt với chế độ phong kiến và đưa dân tộc bước vào quỹ đạo của thể chế dân chủ; mà đặc biệt, đó còn là ngày xác lập một tư tưởng lớn lao nhưng còn xa lạ với hầu hết người Việt lúc đương thời: tư tưởng nhân quyền.

Tư tưởng ấy được thể hiện một cách mạnh mẽ, hùng hồn, và sẽ vĩnh viễn đóng đinh vào dòng chảy của lịch sử dân tộc bằng bản “hùng văn” Tuyên ngôn độc lập. Ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một sự xác quyết đầy trí tuệ, và tinh thần nhân văn vượt thời gian: quyền con người đứng trên tất cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến Chủ tịch Chính phủ lâm thời Pháp Georges Bidault tại Paris ngày 2/7/1946 (Ảnh: GettyImages)

Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến Chủ tịch Chính phủ lâm thời Pháp Georges Bidault tại Paris ngày 2/7/1946 (Ảnh: GettyImages)

Gọi là “Tuyên ngôn độc lập” nhưng điều rất lạ lùng là mở đầu văn kiện chính trị trọng đại này, Hồ Chí Minh đã không đề cập tới câu chuyện độc lập dân tộc mà nhấn mạnh vào tư tưởng nhân quyền bằng cách trích dẫn hai bản tuyên ngôn tiêu biểu của thế giới phương Tây là Mỹ và Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Hà Nội ngày 17/10/1954 (Ảnh: GettyImages)

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Hà Nội ngày 17/10/1954 (Ảnh: GettyImages)

Mở đầu, mượn lời Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Hồ Chí Minh tuyên xưng nhân quyền một cách hùng hồn: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Rồi từ đây mới “Suy rộng ra” các quyền dân tộc (quốc gia): “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do."

Chưa dừng lại, để nhấn mạnh và tô đậm cho nhân quyền, tác giả một lần nữa dẫn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi."

Câu hỏi đặt ra là tại sao và để làm gì khi tư duy và lập luận như thế; nó có ý nghĩa thế nào cho nội hàm “cách mạng”?

Cấu trúc này của bản Tuyên ngôn đồng nghĩa với tư tưởng coi quyền con người là nền tảng, là điểm xuất phát và là cơ sở cho mọi hành động cách mạng. Nếu không có hoặc không vì quyền con người thì mọi nỗ lực hy sinh tranh đấu đều như đứng trong trạng thái chân không, và thậm chí là vô nghĩa.

Không chỉ có thế, quyền con người dứt khoát phải là đích đến của cách mạng. Điều này được xác quyết một lần nữa chỉ sau hơn một tháng kể từ Tuyên ngôn độc lập khi trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945 Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”

Khi đặt quyền con người ra trước quyền dân tộc để làm bảo chứng và quy hồi, đồng thời không nhắc gì tới quyền lợi của các phe nhóm, đảng phái chính trị, lại trong một quốc gia phong kiến và sau đó là phong kiến nửa thuộc địa, vốn hoàn toàn xa lạ với các giá trị văn minh đó, Hồ Chí Minh đã xác lập nên những nền móng tư tưởng hiện đại nhất cho quốc gia, và quan trọng là tư tưởng ấy như chúng ta đang thấy, sẽ không bao giờ lỗi thời.

Ngày nay khi mà câu hỏi về lợi ích cốt lõi mặc dù chưa hẳn đã bị nhìn nhận sai lạc so với mục đích của người thầy cách mạng thuở đầu nhưng sự thông diễn và thực hành có lúc có nơi lại mang màu sắc dễ gây hiểu lầm và chệch hướng thì việc nhắc lại, khắc sâu và thiết định một lần nữa tư tưởng về nhân quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không những cần thiết mà hơn thế, là cần kíp.