Trong phiên giao dịch ngày 16/1, chỉ số VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.150 điểm. Tuy nhiên, lực cầu nhập cuộc mạnh mẽ vào cuối phiên đã giúp chỉ số lấy lại cân bằng, đóng cửa ở mức cao nhất phiên tại 1.153,1 điểm, tăng 9 điểm.
Thanh khoản thị trường xấp xỉ so với phiên trước, với giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HOSE đạt 12.200 tỉ đồng. Khối ngoại mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp với giá trị 150 tỉ đồng, tập trung tại MWG (+148 tỉ đồng) và các mã ngân hàng như STB (+76 tỉ đồng), VPB (+51 tỉ đồng).
Ở phiên giao dịch ngày 17/1, CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap) dự báo VN-Index có thể vận động trong xu hướng tăng nhẹ với hỗ trợ MA5 đang nằm tại vùng 1.160 điểm. Mục tiêu của nhịp tăng này sẽ nằm ở vùng 1.190 điểm.
Tuy nhiên, theo Vietcap, việc tăng lên kháng cự này nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều vào sự cải thiện của thanh khoản, đặc biệt là sự đồng thuận của nhóm vốn hóa lớn (VN30).
Trong trường hợp VN-Index tăng chậm, Vietcap cho rằng thị trường có thể sẽ phân hóa với dòng tiền sẽ dịch chuyển luân phiên trở lại ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá nguồn cung giá thấp hiện khá hạn chế, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.
"Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục thử thách vùng cản 1.160 – 1.170 điểm trong thời gian gần tới và nguồn cung có thể vẫn còn gây sức ép", VDSC nhận định.
Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, công ty chứng khoán này cho rằng nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục duy trì và tạo động lực hỗ trợ cho thị trường.
Còn theo CTCP Chứng khoán SSI (SSI), VN-Index vẫn trong xu thế điều chỉnh theo hướng biên ngang 1.150 - 1.164. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX thể hiện sức mạnh xu hướng suy yếu và chưa đạt điểm cần thiết báo hiệu đảo chiều.
"Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ duy trì diễn biến trên với biên độ dao động dự kiến 1.146 - 1.155", SSI dự báo./.