Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế

Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Quyết định này đã đưa NDT vào nhóm các đồng tiền dự trữ chính thức của IMF, gồm USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật.
Nhân viên ngân hàng kiểm tiền 100 nhân dân tệ mới tại một ngân hàng ở Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng giám đốc IMF bà Christine Lagarde. Ảnh: Reuters

Kết quả trên không quá bất ngờ, khi mà một loạt quan chức hàng đầu IMF cũng như nguyên thủ các nền kinh tế lớn liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với NDT trong thời gian qua.

Gần đây nhất, ngày 13/11, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết bà ủng hộ NDT gia nhập SDR, theo sau những tuyên bố ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Nhật, Pháp, Anh.

Quyền rút vốn đặc biệt SDR là một loại tiền ảo, một công cụ tài chính được tạo ra năm 1969 nhằm tăng tính thanh khoản của vàng và USD trong hệ thống tỉ giá cố định Bretton Woods. Đồng tiền này hiện nay được định giá thông qua một rổ tiền bao gồm những đồng tiền mạnh của thế giới – đồng USD, EURO, Bảng Anh và Yên Nhật.

Tính tới cuối tháng 9, có 280 tỉ USD trong rổ SDR được chia cho các thành viên IMF, so sánh với 11,3 nghìn tỉ USD tài sản dự trữ trên toàn cầu.

USD hiện chiếm tới 41,9% giá trị giỏ SDR. EURO xếp thứ hai với 37,4%. Theo sau là Bảng Anh (11,3%) và Yên Nhật (9,4%).

Đây là thay đổi đầu tiên kể từ lần EURO thay thế đồng Mark Đức và Franc Pháp năm 1999, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường quốc tế hóa NDT của Bắc Kinh.

IMF đã từng từ chối bổ sung NDT trong cuộc họp hồi năm 2010 vì cho rằng đồng tiền này thiếu tiêu chí “tự do lưu chuyển”.

“Thêm NDT vào giỏ SDR là thành công mới nhất của những cải cách từ Chính phủ Trung Quốc, giúp đồng tiền này có một vị trí mạnh hơn và xứng đáng hơn trong nền kinh tế toàn cầu”, bà Lagarde phát biểu ngày hôm qua.

Những nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Bắc Kinh đã được ghi nhận. Ảnh: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - Bloomberg

Thay đổi trong giỏ tiền của IMF sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2016. Tổ chức này cho biết NDT sẽ chiếm 10,92% giỏ tiền này, so với 41,73% USD, 30,93% EURO, 8,33% Yên Nhật và 8,09% Bảng Anh.

Sự gia nhập tất yếu

Kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh đã liên tục chỉ trích hệ thống tiền tệ toàn cầu, cho rằng cơ cấu này quá phụ thuộc vào đồng USD.

“Đây là một chiến thắng lớn của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh Chính phủ của ông ta đang cố gắng nâng cao hình ảnh của đất nước”, Timothy Adams, chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế, nhận định.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt ¼ thế kỉ qua, vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Bắc Kinh đã tích cực vận động để kiếm cho NDT một vị trí trong SDR ngay trong năm 2010, tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã bác bỏ đề xuất trên.

Theo IMF, NDT hiện đang đứng thứ 7 trong số những đồng tiền được dự trữ nhiều nhất thế giới, sau 4 đồng USD, EURO, Bảng Anh, Yên Nhật trong giỏ SDR, Đô la Australia và Đô la Canada. Đồng tiền này hiện đang chiếm 1,1% dự trữ quốc tế, dù vậy vẫn kém xa so với USD (63,7%).

Giành được sự chấp thuận của IMF có thể cụ thể hóa những cố gắng của giới chức Bắc Kinh hướng tới một nền kinh tế mang tính thị trường hơn, tăng cường uy tín cũng như danh tiếng của đất nước trước thềm cuộc họp G20 vào năm sau. Ngoài ra, ít nhất 1 nghìn tỷ USD dự trữ toàn cầu sẽ được chuyển đổi sang NDT nếu đồng tiền này được phép gia nhập rổ SDR, theo Standard Chartered.

Khi đồng nhân dân tệ (NDT) được đưa vào SDR, đây sẽ là bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu, trong khi vị thế của nước này trên các thị trường tài chính sẽ được củng cố và có uy tín hơn.

Mỹ - cổ đông lớn nhất của IMF, cùng các nước Phương Tây khác đã chỉ trích Trung Quốc kìm giữ tỷ giá đồng NDT ở mức thấp.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc kiên trì xây dựng chiến lược tạo sức cạnh tranh với đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế.

Thành công lớn nhất của Bắc Kinh tới nay là lôi léo được các đồng minh của Mỹ và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được coi là một đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ chi phối.

Theo VietNamplus