Trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Thanh Thúy viết: “Bàng hoàng! Đó là cảm giác của con lúc này. Ngồi lặng đi một lát để cho lòng trấn tĩnh lại con mới mở tin nhắn điện thoại gửi tin thông báo cho các anh, chị ở đoàn Quân khu 7. Tất cả cũng như con, đều là học trò của thầy, đều nhận từ thầy sự giúp đỡ, dạy dỗ, chỉ bảo hay chỉ là sự cảm nhận về một người chú, người anh uyên bác, sâu sắc, luôn ân cần, thương yêu mọi người...”.
Người thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, NSƯT Thanh Thúy không nén được xúc động. Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng tiếng thở dài và phải ngưng lại vài lần để cô lấy lại bình tĩnh khi nói về người thầy mà cô rất trân quý vừa từ giã cõi đời.
Cô nói: “Thầy là người có công rất lớn trong việc xây dựng Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội từ khi trường còn là một trường trung cấp lên cao đẳng và thành đại học. Không những thế, thầy còn có rất nhiều hoạt động giúp quảng bá cho công chúng biết đến một ngôi trường nghệ thuật trong môi trường quân đội, đào tạo nên nhiều thế hệ nhạc sĩ tài năng như: Đức Trịnh, Đỗ Bảo, Nguyễn Đức, Lương Minh...
Nhiều ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích hôm nay cũng trưởng thành từ ngôi trường nghệ thuật quân đội, trong đó có tôi. Tôi cũng là một trong những học trò được thầy giúp đỡ, động viên rất nhiều khi mới vào Đoàn nghệ thuật Quân khu 7.
Thầy đã tạo điều kiện, đặc cách cho tôi vào trung cấp thanh nhạc. Thầy tổ chức hẳn các lớp học tại đoàn để cho anh chị em trong đoàn vừa có thể vừa học vừa làm. Không chỉ dành rất nhiều tình cảm, sự ưu ái cho các đoàn văn công (hầu hết các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 đều được tạo điều kiện học tập và tốt nghiệp ở Trường Nghệ thuật quân đội), thầy tìm kiếm tài năng trẻ ở những sân chơi ca hát như Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, Bài hát Việt... để mang về trường đào tạo”.
Đồng cảm về những đóng góp của nhạc sĩ An Thuyên trong vai trò hiệu trưởng của Trường Nghệ thuật quân đội Hà Nội, ca sĩ Vũ Thắng Lợi khẳng định sự ra đi của thầy là một mất mát lớn cho trường.
Không chỉ anh mà rất nhiều thế hệ học trò ở đây đều biết ơn nhạc sĩ An Thuyên. Anh nói: “Thầy có chính sách chiêu mộ nhân tài rất hiệu quả. Các trường khác thì tuyển sinh, còn Trường Nghệ thuật quân đội lại có thêm một hình thức nữa là tự do tìm kiếm và đặc cách cho những nhân tố triển vọng.
Trong quá trình chấm thi các cuộc thi hát và sáng tác, thầy luôn chủ động tìm đến những “hạt giống” và mời về trường. Như tôi chẳng hạn, nếu không có thầy, rất khó để tôi có thể trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp như hôm nay. Thầy đã mang các lớp trung cấp ngắn hạn vào Quân khu 4 nơi tôi công tác, giúp chúng tôi có điều kiện học nghề tới nơi tới chốn. Những sáng tác của thầy cũng đều có sức nặng, là những “bài tập” hữu ích và thường là hành trang cho chúng tôi bước vào các cuộc thi”.
“Cây đa” của những bài hát mang âm hưởng dân ca đặc sắc
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương khóc khi nhắc đến nhạc sĩ An Thuyên: “Tất cả học viên của trường đều thương mến thầy, xem thầy không chỉ như người thầy mà còn như người cha. Thầy thường nói thầy thương tôi như chị Bông Mai, con gái thầy.
Và thật sự, nếu không có thầy dìu dắt tôi những bước đi đầu tiên, tôi đã không có gì phía sau này cả. Khi tôi đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999 (giải Sao Mai bây giờ), thầy đã đặc cách cho tôi về trường để học. Gia đình tôi khi đó không có điều kiện theo đuổi việc học ở một trường nghệ thuật chuyên nghiệp nên việc được học bổng, được ở ký túc xá trong trường, được nuôi ăn... thật sự là một ân huệ rất lớn đối với tôi”.
Nhà báo, MC Minh Đức - thành viên hội đồng nghệ thuật Bài hát Việt - chia sẻ: “Ở góc độ nghề nghiệp, và cũng có chút liên quan, tôi ngưỡng mộ những gì mà bác An Thuyên (nguyên chủ tịch hội đồng thẩm định Bài hát Việt) và các thành viên hội đồng thẩm định Bài hát Việt thời kỳ đầu đã làm được. Họ đã dần gây dựng cả một dòng ca khúc Việt mới mẻ, đậm tính dân tộc, mà đặc sắc nhất là làm nổi lên cả một trường phái âm nhạc mang tên “dân gian đương đại” có ảnh hưởng rất lớn theo hướng tích cực tới sự phát triển của nhạc Việt.
Bản thân ở dòng nhạc ấy, nhạc sĩ An Thuyên cũng là một cây đa cây đề với những bài hát mang âm hưởng dân ca rất đặc sắc như Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương, Huế thương, Neo đậu bến quê... được hát từ trong nước tới hải ngoại. Với cảm xúc cá nhân, nhạc sĩ An Thuyên “thường trực” trong bộ nhớ của tôi vì ông đã viết một ca khúc tôi yêu thích từ khi còn nhỏ, và tôi vẫn luôn cho rằng đó là một trong những bài hát đáng tự hào nhất của nền ca khúc Việt Nam, bài Em chọn lối này”.
Nhạc sĩ An Thuyên - Ảnh: NGUYỄN Á |
Theo thông tin từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ An Thuyên tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15-8-1949, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông nguyên là hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam... Tháng 3-2014, ông được bầu là chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Nhạc sĩ An Thuyên là tác giả của nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian và được công chúng mến mộ như Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...
Bên cạnh đó, ông còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng. Ngoài ra, ông còn sáng tác cho khí nhạc, dàn nhạc giao hưởng, viết nhạc cho phim và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...
Nhạc sĩ An Thuyên đã nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc, trong đó có giải nhất của Bộ Văn hóa - thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tác phẩm Khi xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995); giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tác phẩm Chín bậc tình yêu (1992). Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007.
Ca sĩ Bông Mai - con gái nhạc sĩ - đã nhắn gửi qua bạn bè và báo chí rằng gia đình không muốn nhận vòng hoa trong tang lễ, thay vì vậy, mọi người có thể mang lồng chim phóng sinh đến để gia đình phóng sinh.
Theo Tuổi trẻ