Nhà vệ sinh công cộng: Mô hình miễn phí không hiệu quả lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tại các nước châu Âu, như Đức, nhà vệ sinh công cộng, dù cơ quan địa phương quản lý hay ở nhà hàng, quán cà phê, người ta luôn thu phí hoặc chuyển đổi bằng cách mua nước hoặc thức ăn.

Bàn về giải pháp cho nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở các khu vực trung tâm TP, tôi thấy khá đơn giản. Tại các nước châu Âu, đơn cử như Đức, NVSCC dù cơ quan địa phương quản lý hay ở nhà hàng, quán cà phê, người ta luôn thu phí hoặc chuyển đổi bằng cách mua nước hoặc thức ăn.

Hiện đại, tiện ích và có trả phí

Hệ thống NVSCC ở Đức rất phát triển và được quản lý chặt chẽ để đảm bảo sự sạch sẽ và an toàn cho người sử dụng. Các NVSCC được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm các bãi đỗ xe, công viên, các trung tâm mua sắm, nhà ga, sân bay và các khu vực công cộng khác.

Các NVSCC thường được trang bị đầy đủ tiện nghi, bao gồm chỗ ngồi vệ sinh, bồn rửa tay, máy sấy tay và thậm chí là chỗ cho đổi tã. Nhiều nhà vệ sinh cũng có các tiện ích khác như giặt tay, thay đồ, cảm biến phát hiện ánh sáng để tự động mở cửa khi có người vào và đóng cửa khi không còn ai trong phòng.

Chính quyền TP. Berlin trong buổi khai trương một NVSCC hiện đại nhất của công ty Wall GmbH. Chi phí sử dụng 0,5 EUR/ lần, thanh toán không tiền mặt.
Chính quyền TP. Berlin trong buổi khai trương một NVSCC hiện đại nhất của công ty Wall GmbH. Chi phí sử dụng 0,5 EUR/ lần, thanh toán không tiền mặt.

NVSCC còn được thiết kế để phục vụ các khách du lịch có nhu cầu sử dụng xe lăn hoặc xe đẩy cho trẻ em và có các biển báo chỉ đường rõ ràng để người sử dụng có thể dễ dàng tìm thấy chúng. Tại đây, người ta thường có cả đồng hồ bấm giờ để người sử dụng có thể biết được thời gian đã sử dụng và cần phải trả bao nhiêu tiền. Phí sử dụng thường rất rẻ, khoảng 50 xu euro hoặc 1 euro.

Ở Đức, nhà vệ sinh ở đường cao tốc thường được xây dựng tại các trạm dừng chân hoặc trạm dịch vụ. Những nhà vệ sinh này được thiết kế để phục vụ người lái xe và những người đi đường. Các nhà vệ sinh trong TP và ở các nhà hàng, quán cà phê thường được trang bị tương tự như nhà vệ sinh ở đường cao tốc, nhưng thường là quy mô nhỏ hơn và có nhiều phong cách thiết kế khác nhau.

Các nhà hàng và quán cà phê này thường yêu cầu khách hàng mua đồ uống hoặc thức ăn trước khi được sử dụng nhà vệ sinh. Cũng có một số nơi tính phí sử dụng nhà vệ sinh từ 1-2 EUR/ lần hoặc để một hộp, đĩa đựng tiền và khách sử dụng có thể trả một mức tùy ý.

Các nhà vệ sinh này thường được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo chất lượng và sự thoải mái cho khách hàng. Ngoài ra, với tiêu chí thân thiện với môi trường, các chủ đầu tư thường áp dụng những công nghệ hiện đại nhằm tiết kiệm điện, nước, năng lượng.

Cần sự cam kết từ hai phía

Vừa qua, Quận 1 (TP.HCM) vừa công bố danh sách 100 điểm là nhà hàng, quán cà phê có hỗ trợ NVSCC miễn phí cho người dân và du khách, đồng thời dự kiến xây mới NVSCC ở một số địa điểm.

Tôi thấy mô hình miễn phí không hiệu quả lâu dài, vì không có sự cam kết từ cả hai phía phía chủ quản và phía người sử dụng. Nếu có thu tiền, dù chỉ vài ngàn đồng, thì đó là một giao dịch dân sự và cả hai bên đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Một bên cung cấp dịch vụ cho khách hàng và khách hàng sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả tiền. Khi đó người chủ cũng có kinh phí cho vệ sinh, điện, nước. Và người sử dụng cũng thấy thoải mái khi vào một nhà vệ sinh sạch sẽ, thơm tho.

Nhà vệ sinh Sanifair tại một trạm nghỉ đường cao tốc ở Đức (Autobahn), thường đặt ở nơi kết hợp với siêu thị tiện ích, nhà hàng bán thức ăn nhanh. Khách mua hàng có thể được tặng phiếu sử dụng NVSCC miễn phí, hoặc mua vé sử dụng với giá 0,5 EUR/ lần. Trẻ em được miễn phí.
Nhà vệ sinh Sanifair tại một trạm nghỉ đường cao tốc ở Đức (Autobahn), thường đặt ở nơi kết hợp với siêu thị tiện ích, nhà hàng bán thức ăn nhanh. Khách mua hàng có thể được tặng phiếu sử dụng NVSCC miễn phí, hoặc mua vé sử dụng với giá 0,5 EUR/ lần. Trẻ em được miễn phí.

Riêng các nhà hàng, quán cà phê cho khách vào đi vệ sinh, tính tiền 2-5-10 ngàn /lần, chi phí không bao nhiêu, cũng chỉ bằng một lần gửi xe máy. Nhưng chi phí đó để chủ quán trả điện, nước và cho nhân công vệ sinh... Chủ quán có thể lấy trực tiếp hoặc để cái hộp ở đó, ai dùng thì tự bỏ tiền vào.

Việc vận động các quán mở cửa nhà vệ sinh cho cộng đồng, cho phép thu phí, sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Các quán vừa quảng bá được thương hiệu, vừa có nguồn thu bù lại, vừa có khi bán được ly cà phê, một chai nước và có lợi nhuận. Từ đó, nếu chính quyền TP đầu tư trải rộng hệ thống các NVSCC thì tốn rất nhiều tiền, mà có thể không mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài chi phí đầu tư, còn phát sinh các chi phí khác như vận hành, quản lý, điện nước, công nhân vệ sinh… Bài học là chỉ nên đầu tư ở những chỗ thật cần thiết.

Cuối cùng, cũng như mọi nơi khác trên thế giới, nếu sử dụng NVSCC thì chúng ta nên tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn trong NVSCC, giữ cho sạch sẽ và gọn gàng để tiện cho người sử dụng tiếp theo.

Ở Đức, có nhiều ứng dụng di động và trang web cho phép người dùng tìm kiếm và định vị vị trí các NVSCC trên khắp đất nước. Dưới đây là một số ứng dụng và trang web tìm NVSCC tại Đức:

Toilet Finder: Ứng dụng miễn phí cho phép tìm kiếm NVSCC và quản lý một danh sách những nơi đã tìm thấy. Nó cũng có chức năng định vị và chỉ dẫn đường đi đến nhà vệ sinh. SitOrSquat: Ứng dụng này được tạo ra bởi hãng giấy vệ sinh Charmin và cho phép người dùng tìm kiếm NVSCC trên toàn thế giới. Ứng dụng có tính năng định vị và đánh giá chất lượng của nhà vệ sinh. WC-Finder: Trang web miễn phí cung cấp thông tin về các NVSCC tại Đức. Trang web có thể được tìm thấy bằng nhiều ngôn ngữ và cho phép người dùng tìm kiếm theo địa điểm hoặc vị trí. Google Maps: Ứng dụng bản đồ Google cho phép tìm kiếm các NVSCC trên khắp thế giới, bao gồm cả Đức. Người dùng có thể tìm kiếm theo địa điểm hoặc tìm kiếm trong khu vực hiện tại của họ.

Tất cả các ứng dụng và trang web này đều cung cấp thông tin về địa chỉ, giờ mở cửa và thông tin khác về các NVSCC ở Đức.