Từ đối thủ…
Theo dữ liệu của VietTimes, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Gia Lâm Thương mại Gia Lâm (Thương mại Gia Lâm) đã được lựa chọn để thực hiện gói thầu số 5: Xây dựng công trình thủy công đầu mối, kênh và công trình trên kênh.
Đây là gói thầu thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Giá gói thầu là 57,4 tỷ đồng và giá trúng thầu là hơn 55,8 tỷ đồng, giảm giá khoảng 2,7% so với giá gói thầu.
Được biết, để được lựa chọn là nhà thầu của gói thầu trên, Thương mại Gia Lâm đã vượt qua nhiều đối thủ như Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng Thăng Long, Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Long và đặc biệt là cái tên Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát.
Hình ảnh cắt từ bản giới thiệu hồ sơ năng lực của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Gia Lâm.
|
Sở dĩ nhấn mạnh Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát (Đầu tư Thịnh Phát), vì đây là doanh nghiệp đã từng một mình trúng nhiều gói thầu có quy mô hơn 100 đến 200 tỷ đồng, điều mà các nhà thầu còn lại, kể cả Thương Mại Gia Lâm cũng khó có thể so bì. Có thể kể đến gói thầu Gói thầu số 04: Thi công xây dựng công trình “Cải tạo, nâng cấp đường và kè bờ khu vực sông Kẻ Sặt, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên” với giá trúng 214,44 tỷ đồng.
Theo thông báo công khai kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu trên do Ban QLDA ĐTXD Công trình Nông nghiệp và PTNT công khai vào ngày 7/11/2018, có nhiều nguyên do mà Đầu tư Thịnh Phát bị loại. Cụ thể, Đầu tư Thịnh Phát đã không kê khai Lịch sử không hoàn thành hợp đồng từ ngày 1/1/2013 đến ngày 1/1/2015. Thay vào đó, nhà thầu này mới chỉ kê khai lịch sử không hoàn thành hợp đồng từ ngày 1/1/2015 đến thời điểm đóng thầu.
Bên cạnh đó, tất cả các nhân sự của Đầu tư Thịnh Phát đều không có tài liệu chứng minh kinh nghiệm trong các công việc tương tự. Cùng với đó, Đầu tư Thịnh Phát đã không bố trí tối thiểu 3 kỹ sư công trình thủy lợi cho vị trí cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công.
Lý do cuối cùng được bên mời thầu đưa ra là tất cả các hợp đồng đóng trong HSMT đề có giá trị nhỏ hơn 41 tỷ đồng và không có hạng mục công trình đầu mối trạm bơm tiêu và hệ thống kênh, công trình trên kênh.
Nên nhớ trước đó, Đầu tư Thịnh Phát đã từng trúng gói thầu số 01 Thi công xây dựng Công trình Cải tạo, nạo vét hệ thống công trình sau đầu mối trạm bơm La Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (Giai đoạn 1) với giá trúng 200,7 tỷ đồng.
…Đến đối tác
Thua ở gói thầu không quá lớn, lần này Đầu tư Thịnh Phát đã liên danh với Thương mại Gia Lâm (trong đó Đầu tư Thịnh Phát đứng đầu liên danh) để trúng 2 gói thầu lĩnh vực xây lắp đê điều lớn tại Hưng Yên thuộc dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông Hồng đến K20+700 đê tả sông Luộc), tỉnh Hưng Yên
Gói thầu thứ nhất là Thi công xây dựng các hạng mục công trình trên tuyến tả sông Luộc với giá trúng 312,8 tỷ đồng, giảm giá 25% so với giá gói thầu. Gói thầu còn lại là Thi công xây dựng các hạng mục công trình trên tuyến tả sông Hồng với giá trúng 124,5 tỷ đồng, cũng giảm giá 25% so với giá gói thầu.
Trong thông báo công khai kết quả lựa chọn nhà thầu của hai gói thầu nêu trên do Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão phát đi đều không nói rõ các nhà thầu tham dự và lí do họ bị loại.
Cải tạo nâng cấp mặt đê tả sông Hồng. (Nguồn: xaydunggialam.vn)
|
Được biết, Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát được thành lập cuối tháng 12/2007 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 6,2 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm hai cá nhân có hộ khẩu thường trú ban đầu đều thuộc xã Tiên Tiến, Huyện Phù Cừ, Tỉnh Hưng Yên là ông Vũ Quang Huy nắm giữ 97,5% vốn điều lệ và ông Trần Văn Tiệp sở hữu 0,8%, còn lại 1,6% thuộc về ông Vũ Văn Hoàng (1,6%). Ông Huy cũng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc trong nhiều năm liền trước khi nhường lại chức vụ giám đốc cho ông Tiệp vào năm 2014.
Đến giữa năm 2016, Công ty tăng vốn điều lệ lên thành 50 tỷ đồng. Cùng với đó, 3 cổ đông sáng lập đã mất quyền kiểm soát Công ty khi mà ông Vũ Quang Huy bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ 97,5% số cổ phần nắm giữ, còn ông Hoàng và Tiệp đều nâng tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 35% và 10%. Cuối 2016, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ thành 126 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, ông Huy bất ngờ quay trở lại Công ty và tính đến hiện tại đang nắm giữ 32% vốn điều lệ. Còn ông Tiệp và Hoàng chia nhau mỗi người nắm giữ 7%. Tổng sở hữu của 3 cá nhân này vẫn chỉ ở mức 46%. Chức vụ tổng giám đốc cũng được chuyển cho Đoàn Sơn Bình.
Về mối quan hệ từ đối tác đến đối thủ giữa Công ty CP Xây dựng và Thương mại Gia Lâm Thương mại Gia Lâm (nhà thầu Gia Lâm) và Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát (nhà thầu Thịnh Phát), cần thiết phải nói rằng đó là một hiện tượng không quá bất thường, nếu không muốn nói là ngày càng phổ biến trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay.
Ở giác độ nào đó, đấy còn là một tín hiệu tích cực, nhưng dĩ nhiên là trong lĩnh vực đặc thù như đấu thầu, nó phải đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp, tránh các kiểu “quân xanh, quân đỏ”.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực thầu xây dựng, Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát đang mở rộng hoạt động ra lĩnh vực phát triển địa ốc; và khu vực hoạt động của doanh nghiệp này cũng không chỉ giới hạn tại Hưng Yên hay khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà đang được mở rộng mạnh mẽ trong thời gian qua. Cuối năm 2018, Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xướng danh trong tư cách nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất lô B dự án Khu dịch vụ thương mại, công cộng và nhà ở tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả. Khu đất có vị trí thuộc tổ 4, khu Diêm Thủy, phường Cẩm Binh, rộng 12.080m2, gồm các lô nhà liền kế kết hợp thương mại dịch vụ (shophouse) từ lô SH-09 đến lô SH-18 với giá trúng thầu là hơn 36,3 tỷ đồng. Tổng diện tích khu đất đẩu giá theo quy hoạch Lô B: 28.609 m2, gồm: Đất công cộng (không sử dụng vào mục đích kinh doanh)1.649 m2 , Đất xây dựng nhà ở (shophouse) 12.080 m2; Đất cây xanh 1.436 m2; Đất giao thông hạ tầng kỹ thuật 13.444 m2. Theo quyết định vừa được phê duyệt, sau khi trúng đấu giá, Thịnh Phát phải triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng./. |