Nhà nước đang quản lý khối tài sản 600 tỷ USD

VietTimes -- Hiện nay Nhà nước quản lý khối tài sản khoảng 600 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 300 tỷ USD; các thành phần khác gồm: đất trồng lúa, hệ tầng giao thông, khoáng sản (giá trị từng thành phần khoảng 100 tỷ USD...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thông tin trên được TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách Đầu tư (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương - CIEM) đưa ra tại hội thảo Vượt qua các rào cản để thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam do CIEM tổ chức sáng 30/6.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đã đánh giá kết quả cơ cấu lại kinh tế Việt Nam hiện nay và đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo CIEM, giai đoạn 2015-2020, định hướng chính sách chủ yếu nhấn mạnh vào cơ cấu tài sản như chuyển khối tài sản và dòng tài sản từ hoạt động kinh doanh, trợ cấp ngành sang đầu tư hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội. Từng bước nâng cao hiệu quả và giá trị của khối tài sản do Nhà nước quản lý như việc tăng tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp nhà nước…

Từ định hướng trên, đại diện CIEM đưa ra nhiều kiến nghị cho giai đoạn 2016 – 2020 để nâng cao hiệu quả của khối tài sản nhà nước đang quản lý. Đặc biệt, CIEM kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ được Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình hoạt động; có vị thế độc lập so với các bộ ngành. Sứ mệnh của ban chỉ đạo tập trung thúc đẩy tái cơ cấu và năng suất tổng thể nền kinh tế; có ngân sách và nhân lực hoạt động chuyên trách. Nổi bật nhất, CIEM đề xuất các bộ ngành phải có trách nhiệm giải trình với ban chỉ đạo quốc gia về vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, cấu trúc kinh tế của Việt Nam có vấn đề ở mọi lĩnh vực, từ phân phối lần đầu đến quá trình phân phối lại. Toàn bộ hệ thống có vấn đề nên không thể sửa chữa ở một khâu nào đó mà cần làm đồng thời ở tất cả các khâu.

Còn ông Thắng cho kiến nghị: “Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ cần dành thời lượng để thảo luận các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế như tăng sức cạnh tranh của thị trường; cải thiện năng lực sản xuất, hạ tầng thông và đào tạo nguồn nhân lực. Cắt giảm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, logistic, chi phí đất đai và từng bước giảm lãi suất ngân hàng. Nhà nước cần bãi bỏ cơ chế độc quyền, đặc quyền do thể chế tạo ra”.