|
Nhà ngoại giao Triều Tiên Kim Yong Chol (khoanh tròn) trong bức ảnh mà truyền thông Triều Tiên đăng tải mới đây (Ảnh: CNN) |
Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong số những câu chuyện ấn tượng nhất từng xuất hiện ở Triều Tiên. Ông Kim Yong Chol là người từng tới thăm Nhà Trắng, ngồi nói chuyện bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ mới cách đây 1 năm. Giới phân tích mới đây ngờ rằng một số các nhà ngoại giao Triều Tiên từng tham gia đàm phán với Mỹ đang chịu hậu quả nặng nề sau khi các vòng đàm phán gần đây nhất giữa nước này và Mỹ không đạt được kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, việc được sánh bước cùng lãnh đạo Kim Jong-un trong một buổi xuất hiện trước công chúng cho thấy rõ ràng ông Kim Yong Chol vẫn được "sủng ái".
Rodong Sinmun, một tờ báo nhà nước của Triều Tiên, hôm đầu tuần này công bố một hình ảnh cho thấy ông Kim Yong Chol ngồi ở vị trí chỉ cách lãnh đạo tối cao vài ghế. Nhưng đôi tay của ông che hết khuôn mặt nên rất khó để khẳng định đó chính là ông. Ngoài ra, tờ báo không đề cập tới cấp phó của ông là ông Kim Hyok Chol.
|
Ông Kim Hyok Chol, cấp phó của ông Kim Yong Chol, hiện vẫn chưa xuất hiện trên truyền thông Triều Tiên (Ảnh: CNN)
|
Thông tin ban đầu về số phận của 2 nhà ngoại giao này được đăng tải trên tờ Chosun Ilbo, tờ báo được nhiều người xem nhất ở Hàn Quốc, trong đó dẫn nguồn một quan chức giấu tên ở Triều Tiên nói rằng hai nhà ngoại giao đã bị lao động khổ sai và xử tử. Nhà báo nêu thông tin này cũng là một người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Giới chuyên gia ngay sau đó đặt ra câu hỏi về tính xác thực của thông tin. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ đang theo dõi sát sao các thông tin này.
Nhưng không có ai có thể ngăn chặn được sự lan tràn của câu chuyện đồn thổi này.
Chỉ trong vài giờ, bài viết được rất nhiều hãng truyền thông trên thế giới dẫn lại. Nhiều hãng tin cố gắng vận dụng nghiệp vụ báo chí của mình để chỉ ra rằng câu chuyện trên chỉ dựa vào một nguồn tin giấu tên duy nhất, và cố gắng phân tích bối cảnh của nguồn tin - giải thích rằng các vụ thanh trừng và giáo huấn thường ít khi xảy ra ở Triều Tiên, đặc biệt là với các nhà ngoại giao. Ngoài ra, họ nói rằng cả Triều Tiên và Chính phủ các nước khác cũng không xác nhận thông tin này, và rằng nhiều báo cáo lấy nguồn giấu tên trước đây từ giới truyền thông Hàn Quốc cũng từng sai lệch.
"Tôi không muốn nói điều này, nhưng trong kỷ nguyên này, những lời đồn thổi nghe có vẻ hợp lý dù có thể gây ra hậu quả cũng có thể được đưa lên mặt báo - và câu chuyện này nghe khá là đáng tin" - Van Jackson, cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện đang là giảng viên ĐH Victoria, Wellington, nhận định - "Xung quanh ông Kim là những người dưới trướng của ông. Và ông ta đã bị lừa dối về điều xảy ra tại thượng đỉnh tổ chức tại Hà Nội. Đó là nguyên nhân khiến thông tin này nghe rất hợp lý".
Rất nhiều người tin "sái cổ" bài viết này vì trong tâm tưởng của họ luôn nghĩ Triều Tiên là một đất nước hà khắc, nơi đầy rẫy những mưu đồ cùng một hệ thống lao động nô lệ lớn nhất thế giới.
"Có quá nhiều thứ đang diễn ra ở Triều Tiên khiến mọi người tin rằng những thứ như câu chuyện trên là thực" - Cha O'Carroll, Giám đốc điều hành tổ chức Korea Risk Group - "Cùng lúc, cũng có nhiều câu chuyện lành mạnh nhưng hóa ra lại là giả".
Trước khi ông Kim Yong Chol xuất hiện trong bức ảnh mà hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải hôm Chủ nhật tuần trước, ông chưa từng được các kênh tin tức của nước này nhắc tới trong suốt 2 tháng.
Suốt nhiều năm liền, các chuyên gia tình báo, học giả và nhà báo nghiên cứu về Triều Tiên đã cố gắng lấp đầy khoảng trống thông tin từ bên trong đất nước bí ẩn này bằng cách phân tích các bài viết mà truyền thông Triều Tiên đưa ra một cách cực kỳ chi tiết.
Và hoạt động của họ khá hữu ích trong một số trường hợp, như thông tin về các vị quan chức mới được chỉ định. Nên nhớ rằng Triều Tiên gần như chưa từng công khai về việc chỉ định hay sa thải các quan chức cấp cao, mà thường thông qua các kênh truyền thông chính thức - theo Andrei Lankov, Giáo sư tại ĐH Kookmin, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc đồn đoán về kết cục tồi tệ nhất của một vị quan chức mới chỉ không xuất hiện trên truyền thông một khoảng thời gian ngắn là điều nguy hiểm khi phân tích về tình hình Triều Tiên.