Nhằm khai thác triệt để cơ hội tương tác với người dùng, các mạng điện thoại di động (ĐTDĐ) đua nhau gửi tin nhắn SMS đến thuê bao với mục đích giới thiệu các dịch vụ giá trị gia tăng, các trò chơi, cuộc thi nhằm “móc túi” thuê bao theo kiểu tận thu khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Nhiều chủ thuê bao của mạng MobiFone bức xúc khi chỉ trong 1 ngày nhận được cả chục tin nhắn rác (TNR) từ nhà mạng. Vẫn những nội dung na ná nhau nhưng từ ngữ dùng thì nghe rất nóng kiểu như: “That khong the tin noi! So thue bao 0903xxxxxx cua ban da duoc MobiFone lua chon hom nay tham gia quay thuong MIEN PHI…”.
Không kém cạnh MobiFone, VinaPhone cũng đưa ra những tin nhắn làm phiền kiểu dụ dỗ tham gia đủ chương trình. Nhanh nhảu hơn, mạng này còn tự động kích hoạt dịch vụ bản tin tài chính khi truy cập trang web cho các thuê bao trả sau để “bẫy” khách hàng. Tương tự, mỗi khi thuê bao của mạng Viettel nạp thẻ cào thành công là hàng chục TNR của chính nhà mạng này ùn ùn đổ vào khiến hàng loạt thuê bao phải ngậm ngùi chấp nhận cơn mưa rác mà chẳng biết kêu ai.
Điều khiến khách hàng bức xúc không chỉ tần suất dội bom dày đặc của mỗi nhà mạng mà chính là việc nhà mạng đã cầm đằng chuôi nên chẳng ngại ngần chìa đằng lưỡi ra trêu ngươi người sử dụng bằng cách đưa ra TNR mỗi ngày.
Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tin nhắn quảng cáo của nhà mạng đều phải kèm theo đuôi “TC QC soạn TC gửi…”. Nhiều người vì quá bực mình đã nhanh chóng soạn theo cú pháp và gửi đến tổng đài với hy vọng sẽ không bị làm phiền nữa. Nhưng soạn từ chối đồng nghĩa với việc nhà mạng sẽ cúp luôn cả những tin nhắn quảng cáo nạp tiền khuyến mãi. Đây là cái cớ khiến hầu hết khách hàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để TNR của nhà mạng làm mưa làm gió còn hơn từ chối rồi lại rơi vào cảnh mù tịt trước những thông tin khuyến mãi có lợi cho mình.
Trước thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp ứng cứu bằng việc thông báo người dùng khi nhận TNR, tin nhắn lừa đảo thì chuyển tiếp đến 456 là đầu số chuyên dùng để tiếp nhận TNR, tin nhắn lừa đảo được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VnCert) quản lý, theo dõi. Đầu số này sẽ thống kê các TNR, tin nhắn lừa đảo do người dân gửi để thấy được mức độ bức xúc của xã hội.
Cách làm này thoạt nghe tưởng sẽ có lợi nhưng thực tế, các mạng ĐTDĐ chủ động “thả” TNR mỗi ngày, rồi người dân lại phải thông báo đến VnCert. Lạ lùng thay, nhiều khách hàng phản ứng cho rằng chính họ vừa nhắn báo tin rác đến đầu số 456 xong, đầu số này còn lịch sự gửi tin nhắn cảm ơn thì chỉ chưa đầy 1 phút sau, hàng loạt TNR tương tự lại tiếp tục dội vào máy như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Thực tế, sau hàng loạt bức xúc của người sử dụng ĐTDĐ về TNR của chính các nhà mạng, VnCert vẫn chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào nhằm ngăn chặn ngoài việc nhắn tin cảm ơn. Bằng chứng của vụ việc cho thấy chưa nhà mạng nào bị xử phạt hoặc nhẹ nhất là nhắc nhở để khắc phục tình trạng làm phiền, thậm chí gài bẫy khách hàng.
Không chỉ đối phó với những tin nhắn lừa đảo đang giăng ra mỗi ngày, khách hàng sử dụng ĐTDĐ còn đau đầu với những TNR từ chính nhà mạng, tình trạng này ngày càng phổ biến khiến người tiêu dùng hoang mang khi biết mình đang bị chính nhà mạng bủa vây trong mê hồn trận khó có thể thoát ra được.