Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vừa qua, ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (đơn vị thành viên của Tâp đoàn Dầu khí Millenium) mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong.
Theo đó, dự án có công suất nhà máy điện là 9.600 MW, tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD, được thực hiện hiện tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc có thể ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Toàn bộ dự án có diện tích 600 ha.
Mục tiêu của dự án là biến kho cảng LNG ở Nam Vân Phong thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á với hệ thống kho cảng cấp khí cho nhà máy điện và tổng đại lý phân phối LNG.
“Nếu UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho phép đầu tư, dự án sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh và tiến hành làm việc cấp nhà nước với Chính phủ Việt Nam để triển khai đầu tư. Toàn bộ khí sẽ được nhập khẩu” - ông Sam Chan cho biết.
Trước đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Millennium, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, khu vực nhà đầu tư xin làm nhà máy điện và kho chứa LNG hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, địa điểm mà nhà đầu tư nhắm tới được xác định phát triển công nghiệp gắn với cảng biển và lọc hóa dầu, một phần dành cho du lịch biển.
Ông Phi cho biết, tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước đã quy hoạch cảng biển, có diện tích 300ha. Còn tại khu vực phường Ninh Hải, hiện nay đã có gần 250ha đất sạch thuộc quy hoạch đất công nghiệp. Ưu điểm của khu vực này là tập trung rất nhiều dự án lớn, cảng biển có độ sâu lý tưởng cho các tàu tải trọng lớn.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng lưu ý chủ đầu tư những khó khăn phải nhanh chóng tháo gỡ nếu muốn đầu tư vào khu vực này. Thứ nhất, phải chuẩn bị di dời khoảng 1.000 hộ dân. Kế đến, cần phải làm các thủ tục cần thiết để đưa dự án vào Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh quy hoạch về khí hóa lỏng và điều chỉnh về sử dụng đất. Đặc biệt, với diện tích 600 ha thì cần phải có các phương án bổ sung để mở rộng diện tích bởi mặt bằng hiện tại ở các khu vực đã chọn không đủ.
“Hiện nay, vấn đề truyền tải rất khó khăn, đang quá tải, nếu có thể được chủ đầu tư tham gia đầu tư đường dây truyền tải để giải phóng công suất điện. Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận để nhà đầu tư vào nghiên cứu đầu tư. Đây là khu vực có rất nhiều công ty đang nghiên cứu, do đó quan điểm của tỉnh sẽ chọn công ty làm tốt nhất, nhanh nhất” - ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh.
Tập đoàn Dầu khí Millenium có 35 năm kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện tiên tiến từ khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng, gió, mặt trời, địa nhiệt và chất thải. Tập đoàn đã thực hiện các dự án điện ở Mỹ và các quốc gia trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ USD.
Được biết, ngày 1/6/2020, Công ty Millennium Việt Nam cũng đề xuất đầu tư dự án Trung tâm điện – khí LNG Nghi Sơn tại Thanh Hóa. Tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD.
Trong đó, công suất nhà máy điện là là 4.800 MW, giai đoạn 1 là 2.400 MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD; công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Công ty Millennium Việt Nam dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030 và giai đoạn 2 sau 2030./.