Cụ thể, Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) – tập đoàn mẹ của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – vừa phát hành thành công lô trái phiếu AT1 trị giá 140 tỉ yen (tương đương 1 tỉ USD).
Theo Bloomberg, trên thị trường tài chính toàn cầu, SMFG là 1 trong số 30 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống (systemically important banks).
Ngoài SMFG, chưa có bất kỳ định chế tài chính nào trong nhóm này phát hành trái phiếu AT1 kể từ sau sự kiện UBS mua lại Credit Suisse hồi tháng 3/2023.
Chưa rõ hoạt động phát hành trái phiếu AT1 của SMFG có phải nhằm huy động vốn cho thương vụ mua 15% vốn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) của SMBC hay không, song, theo ghi nhận của VietTimes, 2 đại diện của SMFG đã có mặt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023) của VPBank mới đây.
Hai vị đại diện này là các ông Yusuke Shukuzawa và Tomohiko Tani - các Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Phát triển kinh doanh (Senior Vice President Business Development Dept) của SMFG.
|
2 vị đại diện của SMFG có mặt tại AGM 2023 của VPBank (Ảnh: Văn Lâm) |
Như VietTimes đã đưa tin, tại AGM 2023, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank - cho biết, VPBank đã nhận 10% tiền đặt cọc, tương đương 3.590 tỉ đồng từ phía đối tác Nhật Bản.
Phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài.
"Dự kiến tháng 7-8 sẽ hoàn tất thương vụ, đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn", ông Dũng cho hay.
Theo Chủ tịch VPBank, việc SMBC trở thành cổ đông chiến lược sẽ giúp ngân hàng có được lợi thế về vốn, cụ thể là củng cố nền tảng vốn, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, nâng cao sản phẩm tài chính, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng, kể cả khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng thuộc khối FDI.
Bên cạnh đó, với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ bí quyết về quản trị doanh nghiệp cho VPBank.
Hồi tháng 3/2023, cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã quyết định 'xóa sổ' lô trái phiếu AT1 trị giá hơn 17 tỉ USD của Credit Suisse như một phần thỏa thuận mua lại khẩn cấp.
Trái phiếu AT1, còn gọi là trái phiếu chuyển đổi dự phòng (hay CoCo), là một loại nợ được đưa ra sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu và được thiết kế để hấp thụ lỗ khi các định chế tài chính gặp khó khăn, thường được xếp trên vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Số trái phiếu này có thể chuyển thành vốn chủ sở hữu, cụ thể là cổ phiếu, nhằm giảm nợ cho doanh nghiệp phát hành. Trong một số trường hợp, trái phiếu AT1 có thể bị 'xóa sổ' hoàn toàn./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg