Nhà báo bầu cử ở Trường Sa

Tôi có vinh dự nhiều lần tham gia bầu cử ở Hà Nội và một số nơi trong thời gian đi công tác, song chưa lần nào, tôi xúc động, tự hào như lần này. Tấm thẻ cử tri ở Trường Sa đã trở thành vật kỷ niệm vô giá trong cuộc đời tôi làm báo…
Tấm thẻ cử tri ở Trường Sa được giữ gìn từ thời bầu cử Quốc hội khóa IX

Trường Sa với nhiều “duyên nợ” nghĩa tình đối với nhà báo Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Anh đã ba lần ra thăm và làm việc với nhiều đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 1992. Bài báo đăng dưới đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo của anh – đó là sự kiện tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa IX tại đảo Trường Sa lớn ngày 19/7/1992. Từ đó đến nay, anh thường xuyên có những bài viết (cả thơ) về những hòn đảo tiền tiêu giữa Biển Đông sóng vỗ…

“Hành quân thần tốc”

Trưa ngày 17/7/1992, sau khi giao ban, đồng chí Thường trực Ban Biên tập gọi tôi lên phòng làm việc và giao nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn phóng viên “hành quân thần tốc” ra Trường Sa để kịp phản ánh cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở quần đảo Trường Sa vào ngày 19/7.

Không hỏi gì thêm, tôi thầm hiểu đó là nhiệm vụ rất quan trọng giống như trong thời chiến tranh, đã hai lần tôi được điều vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường. Hai lần đi ấy, đã giúp tôi bình thản, tự tin, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau mấy giờ về nhà lấy mấy bộ quần áo và đồ dùng cá nhân, tôi cùng các anh Duy Phục, Khắc Hường khẩn trương ra sân bay Nội Bài để đi Cam Ranh (Nha Trang). Cất cánh lúc 16 giờ, đến 18 giờ máy bay hạ cánh.

Chiếc U-oát của Hải quân vùng 4 đón chúng tôi xuống ngay chiếc tàu quân đội chuyên vận tải hàng ra quần đảo Trường Sa với sức chở 500 tấn. Cùng đi có hơn mười diễn viên Đoàn văn công Quân khu 9; đồng chí Tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân; đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa và một số chiến sĩ khác. 19 giờ tàu rời cảng Cam Ranh hướng về đảo Trường Sa lớn.

Chạy được hai tiếng đồng hồ thì nhận tin áp thấp nhiệt đới đang chuyển thành bão ở trung tâm quần đảo Trường Sa và  đổ vào đất liền. Chỉ ba giờ sau đó, con tàu 500 tấn bắt đầu bị sóng cấp 8, cấp 9 hất tung lên, rồi chìm xuống sâu, làm tàu nghiêng ngả. Mọi người đều có cảm giác như sắp chìm xuống đáy biển!

Sau 30/4/1975, tôi đã mấy lần đi công tác vào Sài Gòn bằng tàu khách từ cảng Hải Phòng. Một lần, tàu qua Đà Nẵng gặp bão, cũng diễn ra cảnh ngộ tương tự, nhưng chỉ hơn một giờ sau, tàu lại trở về trạng thái bình yên. Lần này, tàu quá nhỏ, sóng lại quăng quật gần 10 giờ liền, ai cũng nôn mửa, mặt xanh mét. Đồng chí Tham mưu trưởng hải quân vùng 4 và cả đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, vóc người cường tráng, từng quen với sóng to, gió lớn, nhưng hôm nay cũng say sóng, nằm mệt lử. Duy nhất có anh Tạo, quê ở Hải Dương, chiến sĩ hải quân đã 17 năm liền lái tàu là trụ được, bình tĩnh đưa tàu trườn lách qua những đợt sóng lừng.

Qua hai đêm lo âu, phấp phỏng, bão đã tan, biển trở lại hiền hòa, nước xanh trong. Bỗng dưng, mọi người đổ xô ra mũi tàu reo hò khi thấy mặt trời ló rạng ở đằng đông. Lần đầu tiên được ngắm bình minh trên hòn đảo tiền tiêu giữa Biển Đông sóng vỗ, ai cũng rưng rưng xúc động. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Khắc Hường tất tả ngược xuôi, chọn đủ góc độ ghi lại cảnh tượng rực rỡ này giữa biển trời Tổ quốc. Vậy là, sau gần 30 giờ, tàu chúng tôi đã cập cảng Trường Sa trong tiếng vỗ tay hoan hô của các chiến sĩ trên đảo, át cả tiếng sóng. Chúng tôi tranh thủ rửa mặt và khẩn trương ra tập kết tại điểm bầu cử Quốc hội.

Tấm thẻ cử tri ở Trường Sa

Đúng 7 giờ sáng ngày 19/7/1992, Lễ bầu cử Quốc hội khóa IX được diễn ra trọng thể tại trung tâm đảo Trường Sa lớn, cạnh cột mốc chủ quyền quốc gia. Nhóm phóng viên cùng cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên đảo trân trọng bỏ lá phiếu bầu các đại biểu Quốc hội của tỉnh Khánh Hòa. Tôi có vinh dự nhiều lần tham gia bầu cử ở Hà Nội và một số nơi trong thời gian đi công tác, song chưa lần nào, tôi xúc động, tự hào như lần này. Tấm thẻ cử tri ở Trường Sa đã trở thành vật kỷ niệm vô giá trong cuộc đời tôi làm báo...

Cuộc bầu cử kết thúc sau một giờ. Các “anh nuôi” đã kịp mổ lợn tự nuôi và đánh tiết canh rất khéo. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ phóng viên, tôi cùng anh Duy Phục tạm xa mâm cỗ hấp dẫn, tìm đến Trạm khí tượng thủy văn Trường Sa gần đó để liên hệ với đất liền, nhờ chuyển giúp tin bầu cử về Tòa soạn Báo Nhân Dân. Đầu những năm 90, thế kỷ XX, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ. Các chiến sĩ Trường Sa chuyển nhận thông tin từ đất liền đều bằng moóc. Chúng tôi không được phép sử dụng hệ thống mật mã này.

Thông cảm với nghề báo đặc thù, đồng chí Trưởng trạm khí tượng cho phép dùng máy điện thoại của Trạm liên hệ với Trạm khí tượng Đà Nẵng và nhờ anh em ở đó ghi lại bằng tay qua lời đọc của tôi. Sau đó, họ lại giúp chuyển tin này qua hệ thống điện thoại đất liền về Tòa soạn tại 71 Hàng Trống. Vậy là qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ lúc chuyển tin từ Trường Sa đến khi Tòa soạn nhận được (cũng ghi lại bằng tay) mất hơn 4 tiếng đồng hồ! Dù sao, tin bầu cử ở Trường Sa đã kịp đăng trang nhất số báo Nhân Dân ngày 20/7/1992 cùng với tin các địa phương khác trong cả nước tiến hành bầu cử thành công!

Kết thúc đợt công tác, Nhóm phóng viên được Ban Biên tập tặng Giấy khen. Song, điều có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với chúng tôi – đó là niềm tự hào về người viết báo cũng là chiến sĩ – như lời dạy của Bác Hồ!.

Theo congluan.vn