Nguyên thủ các quốc gia “Bộ tứ Kim cương”: Không ảo tưởng về Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã gặp gỡ online hôm 12/3 trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Sau cuộc gặp, Cố vấn ANQG Mỹ Sullivan nói lãnh đạo 4 nước đã tuyên bố không ảo tưởng về Trung Quốc.
4 nhà lãnh đạo tham dự Đối thoại an ninh đã tuyên bố không ảo tưởng về Trung Quốc (Ảnh: qienews).
4 nhà lãnh đạo tham dự Đối thoại an ninh đã tuyên bố không ảo tưởng về Trung Quốc (Ảnh: qienews).

Cuộc gặp gỡ giúp giải quyết một loạt vấn đề quan trọng

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 13/3, sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên nhưng với hình thức trực tuyến này, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra tuyên bố chung, cam kết sẽ thành lập nhóm chuyên gia về dịch tễ, công nghệ then chốt mới nổi, tổ công tác về khí hậu để ứng phó với các vấn đề y tế và vắc xin, các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai và công nghệ đổi mới, biến đổi khí hậu và các chủ đề khác. Tổng thống Mỹ Biden có kế hoạch tổ chức các hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong năm nay và 4 nước cũng đã cam kết mỗi năm tổ chức ít nhất một cuộc hội nghị các ngoại trưởng.

Tuyên bố cũng cam kết sẽ thúc đẩy một trật tự tự do, cởi mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và các khu vực khác, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng cũng như chống lại các mối đe dọa thông qua luật pháp quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức cao cấp tham dự cuộc Đối thoại an ninh 4 nước trực tuyến (Ảnh: Đông Phương).

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức cao cấp tham dự cuộc Đối thoại an ninh 4 nước trực tuyến (Ảnh: Đông Phương).

Tại cuộc họp báo sau khi cuộc gặp kết thúc, ông Jake Sullivan Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói, tại cuộc đối thoại chiến lược cấp cao với Trung Quốc được tổ chức vào ngày 18/3 tới, Mỹ sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Hồng Kông và các vấn đề an ninh công nghệ. Các nhà lãnh đạo 4 nước cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh mặt đối mặt vào cuối năm nay.

Ông Sullivan nói, các nhà lãnh đạo bốn nước đã nói về các vấn đề tự do hàng hải, chống cưỡng ép ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cuộc đảo chính và trấn áp bạo lực ở Myanmar, cạnh tranh giữa mô hình dân chủ và chuyên quyền. Họ cũng đã thảo luận về những thách thức từ Trung Quốc và nói rõ rằng họ không có bất cứ ảo tưởng nào về Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói, Trung Quốc không phải là vấn đề cơ bản tại cuộc họp và phần lớn trọng tâm là các cuộc khủng hoảng toàn cầu khẩn cấp, bao gồm khủng hoảng khí hậu và đại dịch COVID-19.

Bốn nước sẽ hình thành quan hệ đối tác vắc xin với mục tiêu mở rộng sản xuất vắc xin và hỗ trợ các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương tiêm vắc xin và đẩy nhanh tiến độ chấm dứt dịch. Cụ thể, Mỹ sẽ tài trợ cho công ty dược phẩm Ấn Độ Biological E Ltd để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vắc xin cho các nước ASEAN, Ấn Độ - Thái Bình Dương và các khu vực khác vào trước cuối năm 2022 thông qua Ấn Độ sản xuất, công nghệ của Mỹ, tiền vốn của Nhật Bản và khả năng logistics của Australia.

Ông Jake Sullivan tổ chức họp báo nói về kết quả sau cuộc Đối thoại trực tuyến của 4 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia (Ảnh: AP).

Ông Jake Sullivan tổ chức họp báo nói về kết quả sau cuộc Đối thoại trực tuyến của 4 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố. ông nhắc lại cam kết đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được quản lý bởi luật pháp quốc tế và cam kết bảo vệ các giá trị phổ quát mà không có sự ép buộc, nhưng ông không nêu tên Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nói, ông phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ ra rằng đối thoại an ninh bốn bên đã chín muồi và sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Australia Scott Morrison mô tả cuộc gặp là một "bình minh mới" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nói ông hy vọng rằng sự hợp tác của bốn nước sẽ mang lại hòa bình, ổn định và phồn vinh.

Trước hội nghị thượng đỉnh, có thông tin cho rằng để giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ đã đạt được thỏa thuận về khai thác, sản xuất và cung cấp đất hiếm nhằm chống lại vị thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Theo tờ Nikkei Asia, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm và phát triển công nghệ tinh chế đất hiếm ít phát thải chất phóng xạ với chi phí thấp; có kế hoạch để các tổ chức tài chính thuộc các chính phủ cung cấp tài khoản cho các công ty khai thác và tinh chế đất hiếm. Ngoài ra, bốn nước dự kiến ​​sẽ soạn thảo quy tắc quốc tế liên quan đến xuất khẩu đất hiếm.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nói, ông phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực (Ảnh: AP).

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nói, ông phản đối mạnh mẽ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực (Ảnh: AP).

Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, cũng là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Bắc Kinh từng cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản do tranh chấp lãnh thổ về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Bắc Kinh). Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một số người đề nghị Trung Quốc cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ nhằm chống lại chính quyền Trump. Vào tháng 1 năm nay, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã soạn thảo "Quy định về quản lý đất hiếm (Dự thảo trưng cầu ý kiến)". Động thái này được nhiều nước cho là do Trung Quốc sẽ ngày càng sử dụng đất hiếm như một “quân cờ trong thương thuyết”.

Hội nghị thượng đỉnh Quad là một “đòn tổ hợp mạnh mẽ” chống lại Trung Quốc.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ cuộc họp đã thảo luận về việc Trung Quốc cưỡng bức Australia, quấy rối quần đảo Senkaku và các hành động mạnh mẽ ở biên giới Trung - Ấn. Ông nói điều này khi trả lời về cuộc gặp gỡ quan chức Mỹ - Trung sắp tới tại Alaska. Sullivan nói rằng hội đàm tới đây là một nỗ lực để liên lạc trực tiếp giữa Mỹ và chính phủ Trung Quốc. Khi đó, Mỹ sẽ nêu quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan và cách hành xử của Trung Quốc với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vào ngày 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp tại Alaska với Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh 4 nước Quad này, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 12/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hy vọng các nước này sẽ không “nhắm đến hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba” và không tạo ra "vòng kết nối nhỏ" khép kín.

Tuy nhiên, ông Victor Cha, Giám đốc Nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng hội nghị thượng đỉnh này là đòn đánh mạnh mẽ đầu tiên của chính quyền Biden liên kết với các đồng minh chống lại Trung Quốc.

Thủ tướng Australia Scott Morison: cuộc gặp là một "bình minh mới" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hy vọng sự hợp tác của 4 nước sẽ mang lại hòa bình, ổn định và phồn vinh (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Australia Scott Morison: cuộc gặp là một "bình minh mới" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hy vọng sự hợp tác của 4 nước sẽ mang lại hòa bình, ổn định và phồn vinh (Ảnh: Reuters).

Ông nói: "Hội nghị thượng đỉnh 4 bên này và các hội nghị thượng đỉnh “2+2” tiếp theo với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được tổ chức vào tuần tới, đối với chính quyền Joe Biden mà nói chính là đòn tổ hợp thay đổi sự kết hợp tương tác với các đồng minh .... Về cơ chế đối thoại an ninh 4 bên trước đây đã có nhiều cuộc gặp và tuyên bố, nhưng điểm khác biệt lớn nhất lần này là nội dung của hội nghị. Hội nghị cấp cao đã đạt được thỏa thuận về vắc xin, đất hiếm và hợp tác khu vực. Về phương diện này, tôi nghĩ đây là một đòn quyền anh tổ hợp rất mạnh bắt đầu từ châu Á, và hy vọng có thể tiếp diễn”.

Vài ngày sau khi lãnh đạo 4 nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các quan chức chính phủ cấp cao sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Ông James Schwemlein, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Washington, cho rằng Hội nghị trực tuyến này là "bước khởi đầu tích cực đi tới chín muồi" của cơ chế đối thoại an ninh bốn bên Quad.

Một số người lo ngại, là một cơ chế đối thoại an ninh, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ chú trọng quá nhiều đến hợp tác phi quân sự, có thể làm giảm vai trò của Đối thoại Bộ tứ trong lĩnh vực an ninh. Về vấn đề này, ông Schwemlein cho rằng cơ chế đối thoại an ninh 4 bên vốn không có chương trình nghị sự riêng và sự phát triển hiện tại đã là một bước đi theo hướng tích cực.

Ông Jake Sullivan: Các nhà lãnh đạo 4 nước đã thảo luận về việc Trung Quốc quấy rổi ở quần đảo Senkaku (Ảnh: Dwnews).

Ông Jake Sullivan: Các nhà lãnh đạo 4 nước đã thảo luận về việc Trung Quốc quấy rổi ở quần đảo Senkaku (Ảnh: Dwnews).

Không phải là một "NATO mới ở châu Á", nhưng 4 bên đối thoại an ninh gần nhau hơn vì Trung Quốc

Ông Sullivan nói tại cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ rằng cơ chế đối thoại an ninh 4 bên không phải là một liên minh quân sự, cũng như sẽ không trở thành một NATO mới. Ông nói điều này khi được hỏi liệu đối thoại an ninh 4 bên có tăng cường hợp tác với Đài Loan và làm gia tăng chi phí cho cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan hay không.

Ông nói: "Đây là cách chúng tôi nhìn nhận về cơ chế đối thoại an ninh 4 bên: nó không phải là một liên minh quân sự và sẽ không phải là một NATO mới, mặc dù một số người đã tuyên truyền như thế”. Ông Sullivan nói cơ chế đối thoại an ninh 4 bên tạo cơ hội hợp tác cho 4 nước về kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh. Ông nói rằng an toàn hàng hải, cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa mới là chương trình nghị sự cốt lõi của đối thoại an ninh 4 bên.

Cơ chế đối thoại an ninh 4 bên được bắt đầu từ tháng 12/2004. Vào thời điểm đó, để đối phó với thảm họa nhân đạo do thảm họa động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương, 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ đã tăng cường hợp tác và thực hiện các hoạt động cứu hộ một cách đồng bộ. Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, năm 2006, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất khái niệm hợp tác 4 bên gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia với danh nghĩa “tập hợp các quốc gia dân chủ”, đã được ba bên còn lại hưởng ứng.

Năm 2017, trước sự lớn mạnh về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và sự gia tăng các hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cơ chế đối thoại an ninh 4 bên đã được kích hoạt trở lại sau nhiều năm im ắng. “Cơ chế đối thoại an ninh bốn bên” từ đó được đặc biệt chú ý, có người từng gọi đây là “NATO phiên bản châu Á”.

Đối thoại An ninh 4 bên những năm gần đây đã thực hiện nhiều hành động trong “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, ngoại trưởng của 4 nước đã tổ chức hai cuộc họp tại New York và Tokyo để thảo luận về vấn đề "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". tăng cường nhanh chóng hợp tác quân sự, chủ yếu thông qua các thỏa thuận song phương và các cuộc tập trận chung giữa bốn nước. Vào tháng 11 năm ngoái, Australia lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar của 4 nước.

Ông Michael Green, Phó Giám đốc CSIS, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền G.Bush, cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến sự hợp tác của cơ chế "đối thoại an ninh bốn bên" trở nên gắn kết hơn và được nâng cấp lên cấp độ thượng đỉnh hiện nay.

Ông nói: “Đối thoại an ninh 4 bên không phải là một liên minh mà chỉ là một nhóm các quốc gia liên kết với nhau. Về bản chất, họ muốn duy trì tự do hàng hải và một trật tự dựa trên quy tắc. Các hành động phối hợp hiện tại của họ phần lớn là nhằm đối phó Bắc Kinh”.

Ông Michael Green, Phó Giám đốc CSIS cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến sự hợp tác của cơ chế "đối thoại an ninh bốn bên" trở nên gắn kết hơn và được nâng cấp lên cấp độ thượng đỉnh hiện nay (Ảnh: chinatimes)

Ông Michael Green, Phó Giám đốc CSIS cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến sự hợp tác của cơ chế "đối thoại an ninh bốn bên" trở nên gắn kết hơn và được nâng cấp lên cấp độ thượng đỉnh hiện nay (Ảnh: chinatimes)

Ông Green cho rằng Ấn Độ vốn do dự trong việc nâng cơ chế đối thoại an ninh bốn bên lên tầm cao hội nghị thượng đỉnh và thiết lập một chương trình nghị sự rộng lớn hơn. Tuy nhiên, do xung đột ở khu vực Himalaya trên biên giới Trung-Ấn, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cho Trung Quốc thấy rằng “họ cũng có các đối tác và đồng minh”, đặc biệt là cơ chế đối thoại an ninh 4 bên. Ấn Độ từ lâu đã theo đuổi chính sách đối ngoại “không liên kết”.

Ba bên còn lại trong Bộ tứ đã trải qua những căng thẳng hoặc va chạm trong quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhật Bản và Trung Quốc liên tục căng thẳng về vấn đề quần đảo Senkaku đang tranh chấp.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng về địa chính trị và sự đối kháng toàn diện, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông, hai bên thường xuyên có những động thái. Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất", trong khi Ngoại trưởng Blincken nói, "Trung Quốc là thử thách lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 21".

Australia đã bị Trung Quốc trừng phạt thương mại toàn diện vào năm ngoái vì đã yêu cầu cộng đồng quốc tế điều tra độc lập về nguồn gốc của sự bùng phát ban đầu của dịch COVID-19 ở Trung Quốc, dẫn đến quan hệ xuống đến điểm đóng băng.