Nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng rút 18 ngàn tỷ sử dụng cá nhân

Việc khởi tố và bắt tạm giam hai ông Tạ Bá Long, Đoàn Văn An, nguyên Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng.
Ảnh minh họa

Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đăng tải trên trang web của bộ ngày 17-7-2015 về việc khởi tố và bắt tạm giam hai ông Tạ Bá Long, Đoàn Văn An nguyên Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng. Theo đó ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, “đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.414 tỉ đồng của ngân hàng để sử dụng cá nhân”.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ án ở Ngân hàng Xây dựng, số tiền vi phạm lớn như vậy được công khai để dư luận biết. Số tiền đó gấp hơn sáu lần vốn điều lệ của ngân hàng này. Ông Danh và nhóm cổ đông mới bắt đầu tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín (tên cũ của Ngân hàng Xây dựng) từ tháng 2-2013 và chỉ chưa đầy 16 tháng sau, ông Danh đã kịp rút ra số tiền trên để sử dụng cá nhân.

Với GP Bank, lần đầu tiên dư luận chính thức được biết một cách công khai rằng một ngân hàng lỗ hơn 4 lần vốn điều lệ và cứ 2 đồng cho vay ra thì có gần 1 đồng nợ xấu.

Cũng từ tháng 2-2013 một tổ giám sát với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, trong đó chủ yếu là từ bộ phận thanh tra, giám sát ngân hàng, được đặt ở Ngân hàng Xây dựng. Mọi hoạt động của ngân hàng này từ thu hồi nợ, cho vay, các khoản tiền chuyển ra, chuyển vào (kể cả huy động và chi trả cho người gửi tiền) đều phải thông qua tổ giám sát. Làm sao số tiền lớn trên lại có thể qua mặt tổ giám sát để cho ông Danh sử dụng cá nhân là điều không thể lý giải nổi.

Hoặc ông Danh nắm quá rõ các nghiệp vụ ngân hàng, thông thạo đến mức chỉ đạo cấp dưới thực hiện các nghiệp vụ để rút tiền ra; hoặc trình độ của tổ giám sát quá non yếu đến mức không phát hiện ra sai phạm kéo dài. Số tiền trên không thể nào chỉ được rút ra một lần, nó phải được rút ra nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau.

Có một khả năng khác là tổ giám sát đủ trình độ giám sát, nhưng vì một lý do nào đó đã bỏ qua, không ngăn chặn sai phạm. Ở đây khó mà đồng ý với khả năng ông Danh thông thạo nghiệp vụ của tổ chức tín dụng vì ông không hề làm ở ngân hàng nào trước khi về Ngân hàng Xây dựng. Ông là dân “ngoại đạo” đến mức trong các cuộc họp của hệ thống tổ chức tín dụng, nhiều ngân hàng không biết ông là ai, từ đâu tới.

Để làm sáng tỏ vì sao, bằng cách nào số tiền trên đã ra khỏi Ngân hàng Xây dựng để vào túi sử dụng cá nhân, phải chờ kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, số tiền sử dụng sai mục đích ấy đã khiến không ít doanh nghiệp phẫn nộ. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì không có hoặc thiếu tài sản thế chấp không hề thấp. Giả sử số doanh nghiệp nhỏ không/chưa có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng được vay 10 tỉ đồng/đơn vị, số tiền trên có thể cho vay tới 1.840 công ty. Có doanh nghiệp để vay được vài chục tỉ đồng của ngân hàng, phải thực hiện đầy đủ các bước thủ tục không đơn giản. Trên hết, để được ngân hàng giải ngân, doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng trả nợ cả gốc và lãi đúng hạn.

Nếu ông Danh chỉ là chủ một doanh nghiệp bình thường như bao doanh nghiệp khác, không tham gia vào ngân hàng, liệu ông có thể chỉ đạo cấp dưới rút ra từng ấy tiền không?

Một con số khác cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận đó là lỗ lũy kế đến đầu tháng 4-2015 của GP Bank, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 được gửi cho cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần ba của chính ngân hàng ngày 2-7-2015 vừa qua, lên đến 12.280 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu 45,4%.

Lần đầu tiên dư luận chính thức được biết một cách công khai rằng một ngân hàng lỗ hơn 4 lần vốn điều lệ và cứ 2 đồng cho vay ra thì có gần 1 đồng nợ xấu. Để tiến tới thực trạng này, GP Bank đã lỗ không phải trong một năm, nợ xấu cũng không phải diễn ra trong một ngày. Lỗ lũy kế và nợ xấu đã tích tụ một thời gian dài. Về nguyên tắc, khi một ngân hàng lỗ đến một tỷ lệ nào đó so với vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, thí dụ 50%, nó đã bị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng “thổi còi”. Đằng này GP Bank không những lỗ hết vốn liếng tự có, mà còn lỗ thâm vào tiền huy động.

Ba tổ chức tín dụng cổ phần đã được xử lý theo phương cách Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Lãnh đạo của cả ba đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Rồi đây khi việc xét xử từng vụ, liên quan đến từng ngân hàng diễn ra, có thể sẽ có nhiều hơn các tình tiết, số liệu được công khai để dư luận rõ.

(Theo TBKTSG)