Nhiều cảnh báo về việc bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đã được bà Đỗ Hải Anh, Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT trao đổi tại buổi họp báo về hoạt động của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 8/8.
Nhắc đến nạn mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra tràn lan trên Telegram và một số nền tảng khác, trong đó có những dữ liệu nhạy cảm như thông tin hộ khẩu, bảo hiểm xã hội, bà Đỗ Hải Anh cảnh báo hình thức mới: Các đối tượng sử dụng chatbot thực hiện qua các kênh, tài khoản trên Telegram và các đối tượng còn bán lẻ từng dữ liệu cá nhân cụ thể.
Thực tế này đã rất khác với trước đây, khi nạn mua bán dữ liệu thường được thực hiện trong những hội nhóm kín trên mạng xã hội, và một người mới phải được các thành viên ở trong hội nhóm giới thiệu thì mới được tham gia và mua bán số lượng lớn.
Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, những đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng bởi việc lộ lọt dữ liệu thường là các cơ quan hành chính công hoặc các doanh nghiệp, tập đoàn có lượng dữ liệu lớn và dữ liệu đặc biệt nhạy cảm. Tiếp đó là nhóm người dùng yếu thế, có mức độ trưởng thành số thấp như người già, trẻ em hay người hạn chế kiến thức về an toàn thông tin.
Phân tích sâu về nguy cơ lộ lọt, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân, bà Hải Anh cho rằng, năng lực về bảo đảm thông tin của người dân cũng như doanh nghiệp và các cơ quan trong nước còn yếu. Nhân sự an toàn thông tin chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, hiện nay cả nước có khoảng 3.600 nhân sự làm về an toàn thông tin nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/10 so với nhu cầu thực tế của xã hội.
Liên quan việc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - Cục An toàn thông tin ghi nhận tháng 6/2023, hệ thống thông tin, máy tính của các cơ quan, tổ chức Nhà nước tồn tại gần 50.000 lỗ hổng, điểm yếu bảo mật, bà Đỗ Hải Anh cho biết trong quá trình chuyển đổi số, số lượng các ứng dụng, hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhiều.
Do vậy, các lỗ hổng và nguy cơ tấn công mạng thông qua các lỗ hổng bảo mật mới cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Sự phát triển của công nghệ càng nhanh, các nguy cơ, thách thức về an toàn thông tin càng nhiều.
Ngay cả khi việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng được chú trọng ngay từ đầu thì các lỗ hổng mới cũng thường xuyên xuất hiện. Điều quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thông tin của cơ quan, tổ chức là phát hiện sớm để xử lý và khắc phục các nguy cơ tấn công tương xứng./.