Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 thường trực, bởi các chuyến bay thương mại đã mở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại nên nguy cơ dịch bùng phát vẫn luôn thường trực với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới (Ảnh: Lê Hảo)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới (Ảnh: Lê Hảo)

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới, do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (6/11).

Không xem nhẹ dịch COVID-19

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến nay, thế giới đã có trên 47 triệu người mắc, hơn 1,2 triệu người tử vong do COVID-19. Trong 100 năm nay chưa có dịch bệnh nào nguy hiểm và lây lan dữ dội như vậy, ảnh hưởng toàn diện tới mọi mặt của đời sống chúng ta, từ ăn uống, giao thông, làm việc đến du lịch, giải trí… Trong những ngày này, một số nước tiên tiến hàng đầu thế giới đã phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa (lock down) - biện pháp cuối cùng không ai mong muốn.

Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ (Ảnh: Lê Hảo)

Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ (Ảnh: Lê Hảo)

Để có được việc người dân thoải mái đi lại giữa các tỉnh nội địa, các hội nghị được tổ chức, học sinh được đến trường như hôm nay, thì cả nước nói chung và ngành y tế nói riêng đã nỗ lực không ngừng, áp dụng, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Hiện, cả nước đã ghi nhận 1202 ca mắc COVID-19, 35 người tử vong, 1.069 người khỏi bệnh, 95 người đang điều trị.

Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 trong thời gian qua đã tạo nên thành công của công tác điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh với tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Chúng ta đã đạt được những thành công rất quan trọng trong phòng chống và điều trị COVID-19. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại nên nguy cơ dịch bệnh ở Việt Nam rất cao. Chính vì vậy, các bệnh viện và toàn hệ thống y tế cần xác định rõ các nguy cơ, không được chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh.” – ông Sơn nói.

Rút kinh nghiệm từ những ca bệnh thực tế

Tại hội nghị, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho hay: “Sau 65 ngày không phát hiện dịch trong cộng đồng, cả nước đang ở trạng thái bình thường mới. Hiện, các bệnh viện đang triển khai Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Các Sở Y tế và bệnh viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, rà soát các nguy cơ để sớm khắc phục ngay.”

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Lê Hảo)

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Lê Hảo)

Sau quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, các đơn vị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Đầu tiên, với 4 tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh gồm: điều trị ở tuyến xã – trung tâm Y tế; tuyến huyện – bệnh viện huyện; tuyến tỉnh-bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa và tuyến Trung ương đối với bệnh nhân nặng.

Các bệnh viện đều thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới; cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị 4 lần; xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế; xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau, từ người mắc các bệnh mãn tính, đến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và xây dựng 37 tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống COVID-19

Cùng với đó, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 với việc tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện cả nước đã có hơn 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2.