Nguồn cung thép vẫn tăng dù đã có quy hoạch

Theo các chuyên gia, việc bổ sung các dự án sẽ làm thừa nguồn cung, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ méo mó do hiệu quả đầu tư không còn, nhất là đối với các dự án đã được đầu tư đúng quy hoạch.

Bộ Công thương vừa quyết định điều chỉnh dự án “Nhà máy phôi thép Nghi Sơn” thành “Dự án liên hợp gang thép Nghi sơn” của Công ty CP gang thép Nghi Sơn (có tổng công suất thiết kế của ba giai đoạn là 7 triệu tấn/năm, gồm 2 triệu tấn phôi vuông/năm, 5 triệu tấn phôi dẹt/năm) vào “Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống giai đoạn 2020, có tính đến 2025”.

Đồng thời, bổ sung thêm “Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép xây dựng chất lượng cao công suất 600.000 tấn/năm thuộc dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát giai đoạn 1” do Công ty CP thép Hòa Phát làm chủ đầu tư, vào quy hoạch nói trên.

Tuy nhiên, theo quy hoạch (đã ban hành từ tháng 1-2013), dự án của Công ty CP gang thép Nghi Sơn được phê duyệt là dự án xây dựng nhà máy phôi thép Nghi Sơn, đưa vào thực hiện giai đoạn 1 (năm 2015) có quy mô 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Giai đoạn 2 (năm 2020) là 1 triệu tấn thép dài/năm (thép xây dựng).

Còn dự án của Công ty CP thép Hòa Phát được phê duyệt giai đoạn 1 (được quy hoạch trong giai đoạn 2007-2012) có quy mô 350.000 tấn gang xốp/năm và 350.000 tấn phôi vuông/năm.

Riêng dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2, cũng đã được phê duyệt và xếp vào diện “các dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất giai đoạn đến 2020” là 500.000 tấn phôi vuông/năm, 500.000 tấn thép xây dựng/năm, thì dự án vừa bổ sung cho Hòa Phát cũng không khớp với công suất mà ngành đã quy hoạch.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành thép, việc thay đổi sản lượng sản xuất cũng như bổ sung thêm các dự án vào ngành đã được quy hoạch, là điều rất rủi ro cho thị trường, lẫn doanh nghiệp sản xuất.

Theo Tuổi trẻ