Phần thương cho số phận những người Việt lang bạt bỗng nhiên lâm vào cảnh chiến tranh, li tán, tên bay đạn lạc nơi xứ người. Song cũng phần nào yên lòng vì họ vẫn lành lặn, tiếp tục đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn trước mắt.
Sau gần 1 năm xung đột, khoảng 120 người (30 gia đình) Việt Nam vẫn bám trụ và sống rải rác trong thành phố Donetsk. Gặp họ sau hơn nửa năm có quá nhiều xúc cảm lẫn lộn. Phần thương cho số phận những người Việt lang bạt bỗng nhiên lâm vào cảnh chiến tranh, li tán, tên bay đạn lạc nơi xứ người. Song cũng phần nào yên lòng vì họ vẫn lành lặn, tiếp tục đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn trước mắt.
Chúng tôi ghé thăm căn hộ của anh Trịnh Văn Tiên trên tầng 9, nhà số 246 phố Kuibyshev nằm gần sân bay Donetsk. Như thường lệ, cửa sổ căn hộ, nơi anh trồng rau trông ra hướng sân bay Donetsk trước kia có thể nghe rõ tiếng đạn pháo bắn hàng ngày, nay đã lặng tiếng súng. Trong căn hộ, chúng tôi có thể cảm nhận tình cảm ấm áp, mong muốn chia sẻ khó khăn vất vả của những người Việt tụ về đây.
Ông Vũ Văn Cương, quê Hải Dương, cho biết: "Bà con ở đây hầu như một năm rồi cứ đi song lại về, cứ đi hết tiền rồi lại về. Về cố gắng vét được đồng nào rồi lại đi, cứ bắn mạnh thì lại đi. Theo thỏa thuận Minsk, mấy lần ngừng bắn rồi song cứ vi phạm bắn tiếp. Bà con cứ về, lại chạy, mà nhất là những nhà nào có trẻ em thì hầu như phải đi hết".
Hàng hóa chất đống không bán được. |
Theo ông Trịnh Văn Tiên, Phó chủ tịch Hội người Việt thành phố Donetsk: "Kể từ khi bà con từ vùng sơ tán trở về rất mong hòa bình lập lại để làm ăn. Đến thời điểm này tiếng pháo đã bớt rồi. Bà con cũng ra chợ làm ăn nhưng chợ búa bây giờ độ này kém lắm. Không bán được vì dân không có tiền. Bà con cũng mong mỏi bán được cái gì để lấy tiền trang trải cuộc sống thôi. Bây giờ nếu bảo đi sơ tán tiếp thì những người có điều kiện người ta đã đi rồi. Còn những gia đình không có điều kiện thì đi hết tiền cũng lại phải quay về thôi... Phải là chấp nhận sống chung với bão. Đến đâu phải chịu đến đấy. Bà con rất may kể từ khi chiến sự xảy ra thì không có ảnh hưởng gì về tính mạng. Nhưng vật chất và tinh thần mất mát nhiều".
Ông Tiên cho biết thêm: "Hơn nữa vốn liếng bà con cũng không có nữa. Hàng hóa bà con ở đây chuyển đi cũng không được. Nói thật bây giờ có gia đình hàng còn đọng rất nhiều nhưng không có tiền mặt. Hơn nữa bây giờ đồng tiền mất giá, bị lạm phát rồi. Ngày trước anh mua 10 có khi bây giờ chỉ cố bán 5 để lấy tiền. Cuộc sống của bà con nói chung là gặp nhiều khó khăn".
Do sức mua của người dân thấp, người Việt đi chợ ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh buôn bán. Trong nhà anh Tiên cũng chất nhiều bao hàng đưa từ chợ về không thể bán được.
Trong cuộc trao đổi, ông Tiên bày tỏ cảm ơn chính quyền, các hội từ thiện, cá nhân đã quan tâm tới tình cảnh của bà con ở đây: "Kể từ khi chiến sự xảy ra cũng có sự động viên, quan tâm thăm hỏi của chính quyền, Đại sứ quán, các tổ chức, cũng có công ty động viên về tinh thần, vật chất. Bà con cũng nhận được sự giúp đỡ, bà con rất trân trọng tình cảm, sự động viên của tổ chức, chính quyền. Gần đây nhất có trường hợp ông Phan Đình Tâm là doanh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thấy cuộc sống của bà con khó khăn, bị phong tỏa về kinh tế, đi lại khó khăn ông cũng gửi số tiền 100.000 hrivnya để làm giấy thông hành đi lại, đề phòng chiến sự xảy ra bà con có thể sơ tán ra khỏi vùng chiến sự nhanh hơn".
|
Ông Vũ Văn Cương nói thêm: "Bà con cộng đồng, những người nằm lại vùng chiến sự là những người không có tiền. Đây là cái khó của bà con. Chiến tranh đã xảy ra 1 năm nay rồi. Các hiệp hội có tài trợ song chỉ người Ukraine được nhận. Còn mình là người Việt thì chưa có chính sách cho người Việt được nhận một đồng nào cả".
Chúng tôi được dẫn tới căn hộ bị trúng đạn hồi 15/10/2014 của anh Tô Văn Cao chị Nguyễn Thị Chiến thuê ở gần đó. Cảnh đổ nát lại hiện ra trước mắt chúng tôi. Ông Tiên cho biết khu vực này đã 3 lần trúng đạn pháo trong năm ngoái. Lần đầu tiên là vào ngày 21/7, tiếp theo là ngày 15/10 còn lần thứ 3 là ngày 15/12. Đạn pháo cũng chặn đứt một cây to ngay trước cửa tòa nhà.
Ông Nguyễn Thanh Bình, quê Hưng Yên, sang Ukraine gần 30 năm tâm sự: "Nói chung là nhà chúng tôi vẫn ở đây song tình hình nếu thỏa thuận Minsk-2 bị phá vỡ, mọi người sẽ quyết định đi bởi nếu chiến tranh trở lại sẽ tàn phá ác liệt nên mọi người rất sợ. Nhà tôi con cái học năm thứ 5 rồi, mình cũng phải chờ các cháu để chúng nó học xong cái bằng chứ mình cũng không thể để con học dang dở được".
Tới Đại học Tổng hợp Donetsk, nơi có 3 sinh viên người Việt đang theo học, em Trịnh Anh Tuấn, con ông Trịnh Vân Tiên, đang học năm thứ 3 chuyên ngành công nghệ thông tin cho biết: "Bọn em nghỉ từ tháng 9 tới tháng 2 vừa rồi, nghĩa là học qua Internet ở nhà, sau khi ký hiệp định ngừng bắn, bọn em bắt đầu đến trường học bình thường từ giữa tháng 2/2015". Theo em Tuấn, trước kia ở Donetsk có nhiều sinh viên theo học song nay các bạn đi thành phố khác học hết. Nay: "Trường em chia ra làm 2 phần, những thầy cô và học sinh nào muốn theo học bằng của Ukraine thì sẽ chuyển lên một thành phố khác ở xa hơn học, còn những ai ở lại sẽ nhận bằng của Donetsk, chứ không phải của Ukraine".
Dù cuộc sống trước mắt còn đầy khó khăn, vất vả, hàng hóa chất đống không bán được, nhóm phóng viên chúng tôi vẫn được "chiêu đãi" bữa cơm với món giả cầy thơm phức, và đặc biệt có cả rau xanh và rau thơm. Song, điều đáng nói hơn là chúng tôi đã được cảm nhận, được xẻ chia, cảm thông với những người con đất Việt đang hàng ngày sống tại vùng đất giao tranh có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào này.
Theo: Báo Tin Tức