|
Ảnh: Sina |
Không đếm nổi đây là lần thứ bao nhiêu, Mo Chao rời khỏi nhà máy điện tử.
Trong nhà máy, anh chịu trách nhiệm xử lý các thiết bị báo động. 20 chiếc máy dài khoảng 50 đến 60 mét. Trung bình, mỗi máy sẽ báo động 5 phút một lần. Anh ấy phải kiểm tra và xử lý qua lại, còn phải thường xuyên làm cả ca đêm. Mo Chao nói rằng đó là "một công việc mà tôi sẽ không bao giờ làm nếu không vì 5000 NDT một tháng. Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại, có chết đói tôi cũng không bao giờ làm việc trong nhà máy".
Mo Chao năm nay 18 tuổi. Cách đây 6 tháng, anh rời một nhà máy điện tử và đến với ngành giao đồ ăn mang đi như bao công nhân khác để làm việc tại Đông Quan, Quảng Đông, Trung Quốc.
Mo Chao ở đây như cá gặp nước, trong vòng chưa đầy hai tháng, anh đã nắm rõ các quy tắc bất thành văn để trở thành người giao hàng. Anh hiểu rõ hơn ai hết cửa hàng nào làm đồ ăn nhanh, cách nhận đơn hàng và trốn cảnh sát giao thông như thế nào.
Thu nhập hôm nay khá tốt. Mo Chao là người giao hàng cuối cùng, cộng lại cả ngày lẫn đêm, anh đã giao 48 đơn hàng và kiếm được hơn 300 NDT. Đây là khoảng thời gian thú vị nhất trong ngày của anh, kết thúc công việc và kiểm tra số tiền. Sau khi kiếm đủ tiền sinh hoạt trong ba ngày, anh có thể nằm nghỉ ba ngày rồi mới tiếp tục đi làm.
|
Ảnh: Sina |
Lợi thế lớn nhất của việc trở thành shipper giao đồ ăn là sự tự do. Mo Chao nhấn mạnh, đó phải là người giao hàng tự do chứ không phải người giao hàng chuyên nghiệp - giao hàng cần phải đi làm đúng giờ, không khác gì ở công xưởng nhà máy và không tự do. Tự do là tất cả đối với những người trẻ tuổi như Mo Chao, những người vừa bước ra khỏi xã hội.
Ge Jiao không giống Mo Chao. Trong mắt anh ấy, chỉ cần có thể kiếm tiền thì đó là một công việc tốt.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Ge Jiao từng vào làm trong một nhà máy điện tử, bán trái cây, làm qua môi giới bất động sản và chuyển phát nhanh, nhưng đều không quá một năm. Năm nay là năm thứ 5 anh trở thành một nhân viên giao hàng chuyên nghiệp. Ge Shou cảm thấy thoải mái với mức lương hàng chục nghìn NDT ở Thâm Quyến.
Ge Jiao nhớ lại những ngày vặn ốc vít trong nhà máy điện tử. Anh làm việc 11 tiếng một ngày và chỉ nhận được tối đa 2.800 NDT một tháng. Đây là một mức lương ít ỏi ngay cả trong năm 2014, và cộng với môi trường nghèo nàn của nhà máy điện tử, rất khó để tìm được bạn đời, anh ấy sẽ không bao giờ quay trở lại những môi trường như thế nữa.
khi ngành công nghiệp sản xuất trì trệ, ngành công nghiệp mang đi (take away) trở thành lực lượng hấp thụ chính, và sự bùng phát của dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm dòng chảy này. Theo Báo cáo việc làm Meituan Rider 2020, Meituan có hơn 2,5 triệu người giao hàng, trong đó gần 40% là từ công nhân sản xuất, sau đó đến công nhân bán hàng và xây dựng.
Đối với Mo Chao, người không có bằng cấp hay kỹ năng, ngành giao đồ ăn đồng nghĩa với tiền bạc và sự tự do, và nó gần như có thể đáp ứng mọi yêu cầu công việc của những người trẻ tuổi. Nhà máy thì hoàn toàn ngược lại, ít tiền hơn, áp lực nhiều hơn, và sự gò bó.
Những người trẻ đều đã đi giao đồ ăn, và ngành sản xuất phải bắt đầu tự điều chỉnh, nhưng dường như rất khó để thu hút những người trẻ quay trở lại.
"Nỗ lực làm việc có thể kiếm hàng chục nghìn tệ một tháng"
|
Ảnh: Sina |
Mo Chao đã làm việc trong hơn 20 nhà máy, máy mài công cụ, may quần áo và khuôn đúc. Anh ấy là công nhân phổ thông, có nhà máy thì làm được cả tháng, có nhà máy thì bỏ chạy sau khi làm việc vài ngày. Có nhiều lý do để nghỉ việc như bị trưởng nhóm chửi bới, cường độ lao động ngày đêm, ký túc xá nhân viên không có máy lạnh, mùi dầu máy, tiền công ít.
Giao hàng bán thời gian là sự nghiệp lâu nhất của Mo Chao. Đây là công việc không yêu cầu gì cả, chỉ cần bạn nộp hồ sơ sức khỏe là có thể vào nghề ngay. Nếu bạn muốn đi giao hàng, hãy nhận đơn trên app, nếu không muốn thì có thể nằm biếng ở nhà. Thu nhập nhận được mỗi ngày tùy lượng đơn giao, điều này thoải mái hơn việc làm cả tháng rồi chờ lương về.
Mo Chao ghét bị gò bó, đó là lý do tại sao anh rời nhà đến Vân Nam. Khi giao đồ ăn, anh thích nhất là trong vài giây khi đèn giao thông chuyển sang xanh, anh sẽ kiểm tra xem có cảnh sát giao thông xung quanh không, sau đó vặn chân ga và lao về phía trước.
Hệ thống quyết toán lương hàng ngày cho người giao hàng tự do có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của những người trẻ tuổi. Ge Jiao nhớ lại ngày sung sức nhất của mình: "Có một khoảng thời gian tôi muốn kiếm tiền, vì vậy tôi đã lao vào lấy đơn hàng. Tôi nghĩ rằng mình phải giành được vị trí số một. Kết quả là tôi đã thực sự phá vỡ kỷ lục của trang web. Ngày hôm đó, tôi nhận 98 đơn đặt hàng, kiếm được gần 1.000 NDT. Cảm giác thành tựu này chắc chắn không phải thứ có thể có đạt bằng cách vặn vít trên dây chuyền lắp ráp".
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động nhập cư Trung Quốc vào năm 2020 là 4072 NDT. Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Meituan công bố, thu nhập bình quân hàng tháng của người giao hàng là 4950 NDT, cao hơn thu nhập bình quân của lao động nhập cư.
Làm việc trong nhà máy không phải là không kiếm ra tiền. Thông thường, nhà máy chủ yếu có hai kiểu nhân lực, công nhân phổ thông và công nhân lành nghề. Vặn vít và tắt mở máy là lao động phổ thông, về cơ bản ai cũng có thể làm được, thợ lành nghề phải học tay nghề từ người khác, chẳng hạn mài máy công cụ, tay nghề càng cao lương càng nhiều nhưng không phải ai cũng chịu được sự cô đơn, tẻ nhạt trong nhà máy.
Ge Jiao đã có cơ hội trở thành một thợ cơ khí, nhưng cuối cùng anh ấy đã từ bỏ. "Một khi đã đi trên con đường này, có thể sẽ phải ở trong nhà máy cả đời". Ge Jiao vừa tròn 24 tuổi, anh không dám tưởng tượng sẽ phải sống cuộc sống như vậy cho đến già.
Rất ít người trẻ sẵn sàng ở lại nhà máy trong một thời gian dài. Người phụ trách một công ty điều phối lao động ở Thâm Quyến nói rằng không ít trường hợp, một nhóm công nhân phổ thông được cử đến một nhà máy điện tử vào đầu tháng, và đến cuối tháng thì có đến ba nhóm công nhân mới được tuyển thay thế vào.
Rời khỏi nhà máy không chỉ vì tiền. Nhiều phụ nữ rời khỏi nhà máy đang phải đối mặt với vấn đề cân bằng giữa việc trông con và kiếm tiền. Gong Li phải đến nhà trẻ đón con lúc 5h30 hàng ngày, lãnh đạo từng muốn thăng chức cho cô làm giám sát sản xuất, vì lo không cân đối được gia đình nên cô đã từ chối, ngay cả khi thăng chức đồng nghĩa với mức lương cao hơn.
Trang web của các nền tảng giao đồ ăn luôn có người rời đi mỗi tháng, nhưng những người mới sẽ luôn đến. Khẩu hiệu tuyển dụng "làm việc chăm chỉ có thể kiếm chục nghìn tệ một tháng" luôn có sức hút với giới trẻ.
Vấn đề nan giải cho chủ nhà máy sản xuất
|
Ảnh: Sina |
Nhân viên giao hàng không lo lắng về những người mới gia nhập, nhưng các chủ nhà máy không thể không sốt ruột.
Khó khăn trong việc thuê người trong ngành sản xuất không còn là tin tức nữa. Theo một cuộc khảo sát do People's Daily thực hiện, có tới 73% doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, đặc biệt là thiếu nhân tài kỹ thuật.
Già hóa dân số là một lý do, nhưng lý do lớn hơn là sự xuất hiện của các hình thức mới như giao hàng thực phẩm và chuyển phát nhanh đã cung cấp cho những người trẻ nhiều lựa chọn phong phú hơn.
Wang Feng điều hành một nhà máy sản xuất xe đẩy ở Thâm Quyến. Trước đây, anh ấy thậm chí không phải đến chợ việc làm để chọn người, họ hàng ở quê nhà đã nhét con cái vào nhà máy của anh ấy. Giờ đây, anh sẵn sàng đi chợ việc làm để săn đón nhân công, nhưng chợ việc làm không còn sôi nổi như trước kia, những bạn trẻ mới tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 ở quê anh không hứng thú với các nhà máy nữa.
Theo "Báo cáo điều tra giám sát lao động nhập cư năm 2020" do Cục Thống kê Quốc gia công bố, từ năm 2008 đến năm 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của số lượng lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc là -2,84%. Công nhân nhập cư từng là nguồn cung cấp công nhân sản xuất chính, nhưng những người trẻ tuổi không còn sẵn sàng chịu đựng môi trường làm việc trên dây chuyền lắp ráp như cha mẹ họ.
|
Ảnh: Sina |
Đối với các ông chủ sản xuất, ngay cả việc thuê một người cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Danny, người phụ trách một nhà máy ở Đông Guan, nói với QQ News rằng trong thời gian tuyển dụng cao điểm, thông báo tuyển dụng đăng trên bảng thông báo sẽ bị các nhà máy khác đè lên trong vòng chưa đầy nửa giờ.
Danny đã cố gắng làm việc trực tiếp với một công ty trung gian, nhưng sau đó nhận thấy rằng hầu hết những người được trung gian cử đến đều thiếu tinh thần trách nhiệm. "Họ đã ký hợp đồng với một công ty lao động, và họ sẽ cảm thấy rằng họ làm tốt hay xấu với bạn không quan trọng. Đặc biệt là công việc của chúng tôi không dễ làm như vặn vít. Nó đòi hỏi phải được đào tạo một chút và không thể chịu được sự luân chuyển nhân sự thường xuyên".
Công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa có thể giảm bớt một phần áp lực việc làm nhưng cũng chỉ giải quyết được nhu cầu lao động chung với ngưỡng thấp nhất. Cho đến nay, nhà máy của Danny vẫn thiếu 40% nhân viên.
Thuê người đã khó, nhưng giữ người lại càng khó hơn. Danny nghĩ ra rất nhiều cách để giữ chân nhân viên. Danny nhớ lại cảnh cô làm việc trong một nhà máy sản xuất máy móc lớn ở Hồ Nam hơn mười năm trước. Lúc đó quản giáo mắng người không thương tiếc, hết lời này đến lời nói xấu xa khác, nhưng tình thế đã thay đổi.
Trong mọi việc đều phải đề cao tính nhân văn, trong các cuộc họp nhỏ phải theo sát nhân viên góp ý với công ty, tâm sự tình cảm, người nên khen thì khen, nên thưởng thì thưởng. Để hiểu rõ hơn về các nhân viên, bản thân cô đã làm việc trên dây chuyền nửa tháng cùng họ.
|
Ảnh: Sina |
Các chủ nhà máy đã cố gắng thỏa hiệp. Giám đốc Shi, người phụ trách các vấn đề nhân sự tại một nhà máy đúc khuôn mẫu ở Quảng Đông, nói rằng công ty đang thực hiện một số cải cách mềm cho vấn đề thất thoát công nhân.
"Nếu công nhân nói rằng môi trường nhà máy kém, quản lý của chúng tôi sẽ đi đầu trong việc dọn dẹp nhà vệ sinh; nếu nhân viên nói rằng họ không có cảm giác thân thiện, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc họp giao tiếp thường xuyên và đưa nhân viên đi học hỏi thêm".
Mo Chao đã từng trải qua một nhà máy như vậy, trong một nhà máy điện tử, trưởng nhóm yêu cầu anh ấy báo cáo về quá trình học tập của mình trong một cuộc họp nhóm, anh ấy sợ đến mức bỏ việc trước cuộc họp nhóm. "Nói gì cũng không quan trọng bằng tiền", Mo Chao cảm thấy những "nhà tư bản" này dường như chưa bao giờ hiểu được anh muốn gì.
Không dễ để tăng lương cho người lao động. Wang Feng cho biết rất khó để tăng lợi nhuận cho ngành xe đẩy của mình, tiền lương nếu bị điều chỉnh sẽ là một khoản chi phí rất lớn cho công ty.
Ngoài ra, rất khó để thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau giữa công nhân và chủ nhà máy - ông chủ cảm thấy rằng công nhân bất cứ lúc nào cũng có thể rời đi, do đó, họ sẽ rất thận trọng trong việc tăng lương, và thậm chí sẵn sàng thuê công nhân tạm thời; trong khi công nhân cảm thấy ông chủ sẽ không bao giờ tăng tiền lương và họ rời đi là điều hiển nhiên.
Danny biết rằng những người trẻ tuổi thích phát lương càng sớm càng tốt, nhưng rất khó để làm được điều này trong điều kiện hiện tại. Theo quan điểm của Danny, chèn ép tiền lương cũng là một cách làm giữ chân công nhân của các chủ nhà máy. "Tiền có thể tạo ra một mức độ răn đe nhất định, nếu làm không tốt sẽ phải trừ tiền, làm tốt thì thưởng tiền. Ít ra chủ nhà máy cũng có lương để cầm chân công nhân. Một tuần hoặc mười ngày, họ sẽ không nói đi là đi ngay được".
Xây dựng lòng tin lẫn nhau với công nhân là một việc khó khăn, và Wang Feng chưa bao giờ để ý đến điều này trước đây.
Nhân viên giao hàng cũng có những rắc rối riêng
|
Ảnh: Sina |
Ngoài thời gian giao hàng liên tục bị giảm trong thời gian đại dịch, nhân viên giao hàng còn đối mặt với nguy cơ bị phạt bất cứ lúc nào. Lấy ví dụ như shipper ở Thâm Quyến, điều phiền toái nhất của nhiều người là họ không có thẻ an sinh xã hội nên không lấy được biển số xe, và không có biển số xe mà ra đường rất dễ bị phạt. Ge Jiao và các đồng nghiệp cảm thấy mình như những người ngoài cuộc không được thành phố chấp nhận.
So với nhà máy, cơ hội thăng tiến ở đây có thể hẹp hơn. Một shipper chăm chỉ, làm tốt công việc có thể được thăng chức lên quản đốc hoặc quản trị web, nhưng trong mắt các shipper, đây là một điều "có thể, nhưng không cần thiết". Mức lương của hầu hết các quản trị viên web từ 6.000 đến 8.000 không được coi là giàu có, thậm chí để kiếm thêm thu nhập, chính các quản trị viên web cũng tất bật đi giao đồ ăn.
"Đối với những người không có bằng cấp, giao đồ ăn là một nơi tốt để làm việc chăm chỉ và kiếm tiền. Nhưng nếu bạn có bằng cấp, tốt hơn là hãy theo đuổi một nghề nghiệp có khả năng thăng tiến cao".
Nhiều người bắt đầu công việc bên lề. Một số đồng nghiệp của Ge Jiao làm việc bán thời gian với vai trò trung gian cho thuê nhà, còn bản thân anh ấy thì bắt đầu từ truyền thông, chụp lại cuộc sống hàng ngày của người giao hàng.
Một số shipper đã chọn ra đi. Liang Jinzhong đã chạy vạy trong 5 năm và tiết kiệm được gần 200.000 NDT, số tiền này trở thành số vốn ban đầu của anh để mở một quán ăn Malatang. Nhưng ở các thành phố hạng nhất, Malatang cũng không phải là một công việc kinh doanh tốt. "Tôi kiếm được tiền từ Meituan, và cuối cùng lại trả lại cho Meituan!" Liang Jinzhong nói, phần lớn doanh thu của cửa hàng đến từ đồ ăn mang đi, anh sợ một ngày nào đó mình sẽ quay lại để giao đồ ăn.
Mo Chao thích trò chuyện với đồng nghiệp giao hàng, nhưng anh hầu như không kết bạn. Theo lời của Mo Chao, một nhóm chat của người giao hàng hầu như sẽ trở thành một nhóm mới trong vài ngày. Không có nhiều người có thể tiếp tục giao đồ ăn trong ba tháng.
Điều khiến anh ấn tượng nhất là một người nói chuyện với anh đến tận hai giờ sáng, vì mâu thuẫn với cha mẹ, người này từ quê lên thành phố lớn làm shipper. Mo Chao cảm thấy rằng mình đã tìm được người để nói chuyện. Trong nhóm trò chuyện tràn ngập các quảng cáo bán thời gian và các nền tảng giao hàng, đó là một buổi tối hiếm hoi anh tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn thật sự.
Khoảng ba tuần sau, tài khoản người này biến mất khỏi nhóm, nhưng Mo Chao từ lâu đã quen với việc này. Nhóm chat trên QQ của người giao hàng giống như một trạm trung chuyển. Mỗi ngày, mọi người ra vào nhóm, để lịch sử trò chuyện ghi lại dấn ấn của họ, sau đó biến mất trong thành phố.
Theo QQ