|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: BVCC |
TS. BS. Trần Thị Hải Hà cho biết: Những người mắc bệnh tim có xu hướng mắc các bệnh tiềm ẩn khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, đái tháo đường và bệnh phổi,… Những căn bệnh này sẽ làm suy yếu hệ thống phòng vệ sức khỏe của cơ thể (bao gồm cả hệ thống miễn dịch) để chống lại virus.
Nếu người mắc bệnh tim mà bị sốt, viêm phổi do có liên quan đến COVID-19 thì sẽ gây thêm căng thẳng cho trái tim. Thêm vào đó, tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nghiêm trọng (như bệnh tim, đái tháo đường, bệnh phổi và các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng) có thể dễ bị COVID-19 hơn, có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch cần đặc biệt chú ý các điểm sau:
Không nên tham gia các lễ hội, du lịch hoặc đến những nơi đông người
Nếu người già, người mắc bệnh mạn tính đang nằm viện thì người thân nên hạn chế đến thăm, để tránh mang theo virus lây bệnh.
Duy trì các điều trị thường quy như uống thuốc, thăm khám đúng lịch. Chẳng hạn, những người đang mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp,… cần uống thuốc điều trị bệnh đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
Tránh xa các nguồn lây nhiễm bệnh (những người có triệu chứng ho, sốt…)
Bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp trang bị bên ngoài như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân,… việc nâng cao sức đề kháng trực tiếp sẽ giúp người bệnh chống trội lại những căn bệnh từ virus hay cả ung thư.
Ngược lại, khi hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn, virus và độc tố có thể tấn công cơ thể, từ đó dẫn đến một số căn bệnh. Mặc dù không có loại thuốc đặc trị nào có thể trực tiếp cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể, để tăng cường sức đề kháng mỗi người cần phải rèn luyện một lối sống lành mạnh như tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng,…