Nhận định anh N. bị tổn thương rất nặng, cánh tay phải có nguy cơ tàn phế, kíp bác sĩ sử dụng tới kỹ thuật vi phẫu với hệ thống kính hiển vi hiện đại để nối lại cánh tay.
Song, đây là phương pháp phẫu thuật khó, phức tạp do phải nối các mạch máu và dây thần kinh là những phần cơ thể rất nhỏ, đòi hỏi các bác sĩ phải có sự khéo léo, tập trung cao độ, trình tự hợp lý để rút ngắn thời gian phẫu thuật. Vì vậy, mặc dù có trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ vẫn rất vất vả, ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong 5 giờ đồng hồ mới hoàn thành.
Hiện nay, anh N. đã hồi phục khỏe mạnh, có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Hiện nay, bệnh nhân N. tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
|
Theo bác sĩ Vũ Hữu Trung - Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật - Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện, rất nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi thể, ví dụ: tay, chân, cánh tay, bàn chân do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã được nối lại thành công. Đây là thành quả thu được nhờ áp dụng phương pháp vi phẫu thuật trong điều trị tổn thương đứt lìa chi thể.
“Vi phẫu thuật có thể giúp hồi phục, nối các chi thể bị đứt lìa, trả lại chức năng vận động và khả năng hòa nhập cuộc sống cho bệnh nhân. Ngoài ra, các trường hợp bệnh nhân bị liệt đám rối thần kinh cánh tay, những tổn thương thần kinh ngoại vi, hay những trường hợp đứt rời hoặc khuyết hổng phần mềm chi thể sau những chấn thương nặng cũng có thể được điều trị khỏi nhờ vi phẫu thuật, tỷ lệ thành công và phục hồi chức năng đều đạt trên 95%” - Bác sĩ Vũ Hữu Trung nói.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
|
Tuy nhiên, để vi phẫu thuật thành công, phần chi thể đã đứt rời của bệnh nhân phải được bảo quản đúng cách trước khi tới bệnh viện. Cách bảo quản phần chi bị đứt rời đúng như sau:
- Hãy bảo quản phần chi bị đứt rời ở nhiệt độ khoảng 4° - 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào.
- Rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy sau đó bọc trong một, hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi nylon, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá.
- Tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh.
- Thời gian tối đa của chi bị đứt rời còn có thể cứu sống được là thời gian kể từ khi chi bị đứt rời cho đển khi phần chi được cấp máu. Do đó, sau khi gặp tai nạn, người dân cần nhanh chóng bảo quản chi thể đồng thời di chuyển nạn nhân tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất.