Người dân lạc vào ma trận ứng dụng khai báo y tế, tiêm vaccine, Cục CNTT - Bộ Y tế nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ông Nguyễn Trường Nam, hiện nay có một số ứng dụng do các công ty tự phát triển lấy tên gần giống với ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 nên dễ gây hiểu nhầm cho người dân.
ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) (Ảnh - Minh Thuý)
ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) (Ảnh - Minh Thuý)

Khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, người dân được các bộ, ngành khuyến cáo sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau để khai báo y tế, tiêm vaccine. Tuy nhiên, quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 xuất hiện cùng nhau đã khiến người dân như lạc vào ma trận, không biết đâu mới là ứng dụng có hiệu quả thực sự.

Để tìm hiểu rõ hơn về các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và việc phối hợp quản lý nền tảng khai báo y tế, di chuyển nội địa giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành khác, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) (Bộ Y tế).

+ Xin ông cho biết Bộ Y tế đang có những phần mềm, ứng dụng nào để người dân khai báo y tế?

Ông Nguyễn Trường Nam: Hiện nay có 4 ứng dụng để người dân thực hiện khai báo y tế điện tử, đó là VHD của Viettel, Bluezone của BKAV, NCovi của VNPT và VNEID của Bộ Công an phát triển.

+ Đến nay, mẫu tờ khai y tế, code mã QR đã có sự liên thông thống nhất giữa Bộ tế và Bộ Công an chưa thưa ông? Trong quá trình liên thông thống nhất đã gặp phải vấn đề gì?

Ông Nguyễn Trường Nam: Bộ Y tế đã họp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thống nhất mẫu tờ khai y tế dùng chung cho các ứng dụng khai báo y tế điện tử, quét QR code quản lý thông tin di biến động của người dân.

Để việc liên thông dữ liệu được thuận lợi, hiệu quả đáp ứng việc khai thác dữ liệu trong phòng chống dịch, Cục CNTT, Bộ Y tế cũng đã xây dựng đặc tả cấu trúc dữ liệu tờ khai y tế để các ứng dụng cùng thống nhất sử dụng và hiện nay đang xin ý kiến Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06).

Người dân quét mã QR để khai báo y tế (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân quét mã QR để khai báo y tế (Ảnh - Minh Thuý)

+ Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải thế nào trong việc quản lý nhà nước đối với các nền tảng khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa có chia sẻ dữ liệu dùng chung thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao là đầu mối chủ trì xây dựng ứng dụng phòng, chống dịch, trong đó có nền tảng khai báo y tế và di chuyển nội địa.

Vấn đề dữ liệu trên tờ khai thì Bộ Công an chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Bộ Y tế cung cấp các thông tin, dữ liệu về sức khỏe người dân. Trên cơ sở đó, dữ liệu nền tảng khi người dân thực hiện khai báo y tế điện tử sẽ được đồng bộ và chia sẻ cho các cơ quan quản lý liên quan để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

+ Thực tế, người dân như đang lạc vào ma trận ứng dụng khai báo y tế, chăm sóc sức khoẻ, đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 khiến không ít người hoang mang không biết nên chọn ứng dụng nào để sử dụng. Ý kiến của ông về vấn đề này? Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dùng ứng dụng gì để phòng, chống dịch thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Hiện nay, những ứng dụng trong phòng, chống dịch người dân cần sử dụng gồm các ứng dụng sau:

Ứng dụng trên điện thoại di động: Khai báo y tế (VHD, Bluezone, NCovi và VNEID); tiêm chủng (Sổ sức khỏe điện tử).

Trên web, người dân có thể truy cập vào các trang web Tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn để khai báo y tế; truy cập vào cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký tiêm vaccine.

Ngoài ra, hiện nay cũng có một số ứng dụng khác do địa phương triển khai như ở TP. HCM, Huế, Điện Biên, Đồng Tháp, … (hiện nay đang kết nối liên thông với hệ thống quốc gia). Bên cạnh đó, cũng có một số ứng dụng do các công ty tự phát triển lấy tên gần giống với ứng dụng phòng chống dịch dễ gây hiểu nhầm cho người dân.

Quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch khiến người dân như lạc vào ma trận (Ảnh - ST)

Quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch khiến người dân như lạc vào ma trận (Ảnh - ST)

+ Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để người dân đăng ký tiêm chủng. Tuy nhiên, ứng dụng này còn gặp nhiều bất cập khi người dân đăng ký tiêm mà mãi chưa được gọi đi tiêm, người đã tiêm mũi 1 hoặc đủ cả 2 mũi thì chưa có chứng nhận tiêm. Vậy Cục CNTT đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Việc người dân đăng ký tiêm vaccine COVID-19 trên sổ sức khỏe điện tử mà mãi chưa được gọi đi tiêm là do hiện nay số lượng vaccine COVID-19 về Việt Nam còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đăng ký tiêm của người dân.

Người đã tiêm mũi 1 hoặc đủ cả 2 mũi vaccine thì chưa có chứng nhận tiêm là do cơ sở tiêm chưa triển khai tiêm vaccine COVID-19 trên nền tảng tiêm chủng hoặc có thể cơ sở tiêm cập nhật dữ liệu lên hệ thống chậm. Bộ Y tế cũng đã có văn bản nhắc các cơ sở tiêm khẩn trương cập nhật dữ liệu tiêm lên hệ thống xong trước ngày 20/9.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý)

+ Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành thống nhất sử dụng 1 ứng dụng trong phòng, chống dịch COVID-19 để thuận tiện cho người dân. Vậy, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành khác như thế nào trong việc thống nhất sử dụng 1 ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19?

Ông Nguyễn Trường Nam: Việc này Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu triển khai thực hiện. Bộ Y tế sẽ phối hợp cung cấp các biểu mẫu, danh mục thông tin về sức khỏe phục vụ phòng chống dịch trên ứng dụng.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!