Người Đài Loan điềm tĩnh trước sự đe dọa từ Trung Quốc, tại sao?

VietTimes – Đa phần người dân Đài Loan cho rằng những vụ điều máy bay của Trung Quốc mới đây chỉ là “màn trình diễn” chứ không phải chuẩn bị cho tấn công tổng lực.
Người dân ở Đài Loan vẫn bình thản trước những hành động đe dọa quân sự tăng dần của Trung Quốc (Ảnh: The Conversation)

Trong những ngày gần đây, quân đội Trung Quốc (PLA) liên tục điều số lượng kỷ lục máy bay quân sự đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, làm dấy lên nhiều lo ngại sâu sắc trong khu vực về khả năng đối đầu quân sự, thậm chí một cuộc chiến tổng lực.

Người dân Đài Loan nắm bắt thông tin về những vụ việc này rất nhanh, nhưng không mấy người lo lắng. Vậy, tại sao người Đài Loan lại có thể bình tĩnh đến vậy trước những “tiếng trống chiến tranh” dồn dập?

Một lời giải thích đơn giản là họ đã quá quen với kiểu chiến thuật gây sức ép quân sự của Trung Quốc, và đã quá mệt mỏi vì lo lắng suốt nhiều thập kỷ qua.

Tại sao Trung Quốc điều nhiều máy bay sát Đài Loan đến vậy?

Nhiều người Đài Loan coi việc Trung Quốc điều máy bay vào ADIZ của họ chỉ là “màn trình diễn” chứ không phải sự chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn lực. Có một vài lý do mà Trung Quốc “phô diễn cơ bắp” trong những ngày gần đây, đó là bởi họ có một số mục tiêu trung và ngắn hạn.

Ở trong nước, việc PLA gây sức ép quân sự với Đài Loan phù hợp với chương trình tuyên truyền và chương trình nghị sự chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ý tưởng chính trị của ông Tập là thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa” đối với người dân, một phần trong đó là trở thành “một quốc gia hùng mạnh, với một quân đội hùng mạnh”.

Trung Quốc tổ chức hoạt động ăn mừng Quốc khánh ngày 1/10, mà một màn phô diễn sức mạnh là điều cần thiết. Tờ Thời báo Hoàn cầu của nước này thậm chí còn đi xa đến mức gọi các vụ điều máy bay của PLA là một dạng “diễu binh” nhân ngày Quốc khánh.

Thêm nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong giai đoạn xốc lại tầng lớp lãnh đạo hết sức quan trọng. Tháng tới, họ sẽ tổ chức đại hội quan trọng để thảo luận và đạt sự đồng thuận về cái gọi là danh sách rút gọn những nhân vật được cho là thế hệ lãnh đạo mới của đảng. Trong thời điểm quan trọng này, một màn diễn sức mạnh là điều cần thiết để thu hút sự đồng lòng.

Chính sách của phe đối lập ở Đài Loan

Đảng đối lập chính ở Đài Loan, Quốc dân đảng (KMT), cũng vừa tổ chức bầu lãnh đạo mới sau một chiến dịch tranh cử tập trung chủ yếu vào vấn đề chính sách của Đài Loan đối với Trung Quốc.

Chủ tịch mới của KMT, Eric Chu (Chu Lập Luân) – đã theo đuổi một nền tảng chính sách ngoại giao thân Mỹ - giành chiến thắng khiêm nhường với 45% lá phiếu trong cuộc đua tứ mã. Kể từ đó, Chu hứa hẹn sẽ là một nhân tố thống nhất, lắng nghe những tiếng nói trong đảng của mình và cam kết sẽ nối lại các cuộc đàm phán đang đình trệ với Trung Quốc.

Cũng bởi điều này, Bắc Kinh càng có thêm lý do để gây thêm sức ép với Đài Loan, với hy vọng sẽ “uốn nắn” chính sách mới của KMT đi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong khi Bắc Kinh cử đi tổng cộng 149 máy bay quân sự tới sát Đài Loan trong khoảng từ ngày 1 – 4/10, họ chỉ cử duy nhất 1 chiếc vào ngày 5/10 – trùng ngày mà Chủ tịch mới của KMT nhậm chức.

Người Đài Loan tuần hành phản đối tại Đài Bắc (Ảnh: AFP)

Nhiều thành quen

Một nguyên nhân khác khiến người Đài Loan chả mấy lo lắng về hàng loạt máy bay quân sự Trung Quốc đi vào ADIZ của họ, đơn giản là vì quy luật giảm dần.

Người Đài Loan đã quá quen với kiểu hành động khiêu khích quân sự cường độ thấp này của Trung Quốc. Trên thực tế, họ gần như đã sống dưới sự hiện diện quân sự và sức ép ngoại giao liên tục của Trung Quốc trong suốt hơn 1/4 thế kỷ.

Vào năm 1996, trước thềm kỳ bầu cử lãnh đạo trực tiếp đầu tiên ở Đài Loan, PLA đã thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa rầm rộ ngay trong vùng biển gần hòn đảo này, khiến người ta lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra đến nơi.

Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, bao gồm cả điều máy bay quân sự tới sát hòn đảo này. Những hành động đó nhằm mục đích nêu bật nguy cơ xảy ra chiến tranh và cảnh báo Đài Loan không được vượt qua “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc.

Ví dụ, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc từng đăng tải một đoạn video cuộc tập trận Zhurihe năm 2015, trong đó có cảnh nhiều binh sĩ Trung Quốc đang tấn công một tòa nhà nhìn giống hệt văn phòng lãnh đạo Đài Loan.

Trung Quốc có nóng lòng tấn công?

Chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” dài kỳ này của Trung Quốc lại bị xem là “con dao hai lưỡi”. Nó khuyến khích chủ nghĩa thực dụng trong tiến trình theo đuổi vị thế trên trường quốc tế của Đài Loan, nhưng mặt khác lại khiến người dân Đài Loan ghét bỏ Bắc Kinh.

Ví dụ, các cuộc thăm dò ở Đài Loan liên tục cho thấy chỉ có dưới 10% người dân trên hòn đảo này ủng hộ hợp nhất với Trung Quốc, trong khi chỉ 2,7% tự nhận mình là “người Trung Quốc”.

Vậy tại sao Bắc Kinh vẫn áp dụng chiến lược gây chia rẽ này, nếu như tái thống nhất là mục đích cuối cùng của họ?

Có một lời giải thích rằng, Bắc Kinh đặt sự ưu tiên cao đối với việc ngăn chặn Đài Loan dịch chuyển sâu hơn về phía độc lập, hơn là thúc đẩy thống nhất. Bởi vậy, họ sẵn sàng đánh đổi thống nhất để đổi lấy việc ngăn chặn Đài Loan độc lập.

Nói cách khác, Bắc Kinh hiểu rằng họ chưa đạt được tái thống nhất trong thời gian ngắn, thay vào đó muốn giành chiến thắng về dài hạn. Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro về ngắn và trung hạn – đánh mất sự ủng hộ của người dân Đài Loan. Trung Quốc hy vọng rằng, đến một thời điểm nào đó, họ sẽ đạt được mục đích. Bởi vậy, trong thời gian hiện tại, họ tập trung vào việc ngăn chặn Đài Loan giành độc lập.

Kế hoạch cuối cùng của Trung Quốc là gì?

Theo như cựu tướng Kiều Lương, kế hoạch của Trung Quốc là “kiên nhẫn chiến lược”. Có nghĩa rằng họ sẽ chờ đợi cho đến khi cán cân quân sự xuyên eo biển Đài Loan nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc, và chỉ vận tới biện pháp quân sự khi họ có thể áp đảo Đài Loan một cách toàn diện, triệt để, thậm chí ngăn chặn được sự can thiệp quân sự của Mỹ.

Và về mặt chính trị, Bắc Kinh nhắm tới việc tận dụng sức nặng kinh tế của họ để thu hút các nhà lãnh đạo trẻ tuổi Đài Loan, dần dần lấy lại sự ủng hộ của người Đài Loan đối với việc hợp nhất. Trong hướng tiếp cận này, những khuyến khích về mặt kinh tế thay thế cho sức mạnh mềm, thứ mà Bắc Kinh đang thiếu ở thời điểm hiện tại.

Thách thức đối với Đài Loan và các nước phương Tây là phải đưa ra một tiếng nói chung để khiến Trung Quốc không nghĩ rằng Đài Loan là một mục tiêu dễ ăn. Chỉ có bằng hợp tác chặt chẽ hơn với các nền dân chủ có chung chí hướng, Đài Loan mới có thể làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột và chắc rằng sự phát triển của Trung Quốc vẫn ở mức hòa bình trong tương lai.