Người cán bộ binh vận trong vỏ bọc thiếu tá ngụy và cuộc binh biến lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ba cơ sở nội tuyến của ngành Binh-địch vận cài vào hàng ngũ địch lập công xuất sắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Thôn và Lê Quang Ninh.

Ông Lê Quang Ninh (thứ 2, trái qua) gặp lại các cán bộ Ban Binh vận tỉnh ủy Mỹ Tho sau ngày toàn thắng. Ảnh: Tư liệu CĐV.
Ông Lê Quang Ninh (thứ 2, trái qua) gặp lại các cán bộ Ban Binh vận tỉnh ủy Mỹ Tho sau ngày toàn thắng. Ảnh: Tư liệu CĐV.

Về ông Lê Quang Ninh, văn bản “Tổng kết công tác Binh-địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)” của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, NXB QĐND, 2002, viết: “Đồng chí Lê Quang Ninh quê ở Mỹ Tho. Năm 1963 công tác tại Ban Binh vận tỉnh ủy. Sau khi kết nạp vào Đảng, ta bố trí vào học trường sĩ quan ngụy ở Thủ Đức.

Cuối năm ra trường được chúng đưa về Sư đoàn 25 giữ chức Trung đội trưởng rồi lên đến chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50. Đồng chí được lệnh mai phục lâu dài trong quân đội ngụy và chuyển vào đường dây do Ban Binh vận Trung ương Cục quản lý và chỉ đạo.

Cuối tháng 3/1975, được lệnh chuẩn bị hành động. Ngày 28/4/1975 đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn quân ngụy khởi nghĩa, đưa được 270 binh lính và sĩ quan ra vùng giải phóng”.

Cùng với tiếng bom của đại úy Nguyễn Thành Trung ném xuống Dinh Độc lập hôm 8/4, sự kiện thiếu tá Lê Quang Ninh dẫn cả tiểu đoàn với nguyên vẹn vũ khí, trang bị chạy sang hàng ngũ Quân giải phóng đã gây rúng động dư luận, góp phần làm rệu rã hàng ngũ và suy sụp tinh thần binh sĩ quân địch, đóng góp vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng thành phố miền Nam, kết thúc chiến tranh.

Anh hùng Lê Quang Ninh.jpg
Cố Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Quang Ninh. Ảnh: Tư liệu.

Người đảng viên giấu mình trong vỏ bọc sĩ quan ngụy hơn 10 năm

Ông Lê Quang Ninh sinh năm 1942, tại làng Đạo Thạnh, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình truyền thống cách mạng.

Năm 1959, ông tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức học sinh sinh viên thị xã Mỹ Tho. Năm 1963, ông được kết nạp Đảng, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, ông được Ban Binh vận tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo đăng ký học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức để hoạt động nội tuyến trong lòng địch.

Cuối năm 1964, ra trường, ông Ninh được Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho chỉ đạo tiếp tục chui sâu vào hàng ngũ quân địch. Ông trở thành sĩ quan thuộc Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Thời điểm đó, Sư đoàn 25 vừa dời hậu cứ từ Quảng Ngãi về Hậu Nghĩa (nay là Long An) để bảo vệ phía tây bắc Sài Gòn. Kể từ đó, mọi di chuyển, biến động và ý đồ quân sự của Sư đoàn 25 đều được ông báo cho Ban Binh vận tỉnh Mỹ Tho.

Nhận thấy những tin tức quân sự của ông có giá trị lớn, tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo Ban Binh vận tỉnh chuyển giao ông cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam quản lý. Từ đó, ông mang bí số 110 và hoạt động đơn tuyến, chỉ liên lạc duy nhất với bà Nguyễn Thị Nhẫn (Tư Nhẫn), cán bộ giao liên mật của Ban Binh vận Trung ương Cục. Ông đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về biên chế tổ chức, trạng thái tinh thần của binh sĩ địch và tiến hành xây dựng cơ sở trong hàng ngũ địch.

Vào thời điểm tháng 4/1975, ông Lê Quang Ninh đã leo lên đến cấp Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Khi mà các mũi tấn công của ta từ các phía nhằm vào Sài Gòn, ông nhận được chỉ thị của Ban Binh vận Trung ương Cục: “Từ ngày 25 đến 28/4, tổ chức đơn vị binh biến về với cách mạng”.

Binh si nguy phan chien.jpg
Binh sĩ ngụy phản chiến được Quân Giải phóng đón tiếp, đối xử tử tế. Ảnh: Tư liệu CĐV.

Ngày 25/4/1975, từ 2 hướng Phước Chỉ (nay thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) và Trung Hưng (nay thuộc xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), lực lượng Quân đoàn 3 của ta đã tạo thành gọng kìm áp sát tuyến phòng thủ của Sư đoàn 25 ngụy. Trước tình hình đó, địch vội đưa lực lượng ứng cứu cơ động, bao gồm Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 50 và Thiết đoàn 10 kỵ binh với 40 xe tăng và xe thiết giáp từ căn cứ Đồng Dù lên án ngữ Lộc Giang nhằm chặn đà tiến của Quân giải phóng (QGP).

Chớp thời cơ ra tay đúng lúc

Trước áp lực tấn công của Quân đoàn 3 của ta, 5 giờ sáng ngày 28/4/1975, nhận được lệnh rút quân về lại căn cứ Đồng Dù, ông Lê Quang Ninh nhận thấy đã đến lúc ra tay. Điều cần làm đầu tiên là phải tách Thiết đoàn 10 ra khỏi Tiểu đoàn 1. Nếu không, có thể ông sẽ bị lực lượng của Thiết đoàn 10 “xử” tại chỗ.

Sau khi cân nhắc, ông cùng với viên sĩ quan tham mưu tiểu đoàn đi sang Thiết đoàn 10 bàn với chỉ huy đơn vị này kế hoạch rút quân: "Đường 22 không còn an toàn nữa. Xe tăng và thiết giáp đi trước sẽ lộ mục tiêu, làm mồi cho pháo của Việt Cộng. Chúng tôi đề nghị Tiểu đoàn 1 đi trước mở đường, 2 giờ sau Thiết đoàn 10 mới di chuyển". Nghe thuận tai, viên Thiết đoàn trưởng nhất trí ngay.

Khi Tiểu đoàn 1 dừng quân ở xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), ông Lê Quang Ninh nhận thấy đây là địa điểm thuận lợi để tổ chức binh biến đưa đơn vị chạy sang hàng ngũ cách mạng.

Ông gọi các sĩ quan trong ban chỉ huy tiểu đoàn và 4 đại đội trưởng hội ý, thuyết phục các sĩ quan dưới quyền ly khai quân đội Sài Gòn chạy sang hàng ngũ cách mạng. Bằng lời lẽ chân thành, ông Ninh phân tích tình hình chính trị Sài Gòn: "Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm đã bỏ chạy tháo thân ra nước ngoài, Bộ Tổng tham mưu không còn ai. Ta tiếp tục chiến đấu thì chiến đấu cho ai, có ích lợi gì? Tình hình này ta phải tự cứu lấy mình. Tôi yêu cầu các anh em cùng với tôi ly khai quân lực Việt Nam Cộng hòa quay súng về với Quân Giải phóng".

Mọi người bất ngờ, nhưng không ai có ý kiến gì. Ông Ninh tự giới thiệu mình là người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi đọc Chính sách 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam mới ban hành ngày 25/3/1975. Ông kết thúc bằng câu hỏi: "Anh em có đồng ý phản chiến không?". Tất cả đồng loạt giơ tay, đồng ý.

Lê Quang Ninh lập danh sách “Ủy ban khởi nghĩa phản chiến” gồm 6 người. Đại úy Tiểu đoàn phó Bùi Văn Nam Sơn được ông cử đi bắt liên lạc với Quân Giải phóng. Đại úy Nam Sơn và hai người lính mang máy truyền tin vô tuyến, không vũ khí, buộc vải trắng lên cọc tre làm cờ hiệu, chạy xe Jeep hướng về phía Quân Giải phóng đang đóng quân. Họ được các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân đoàn 3, tiếp đón.

Binh si nguy gia nhap QGP.jpg
Binh sĩ ngụy phản chiến được trao tặng huân chương, tuyên thệ gia nhập Lực lượng vũ trang giải phóng. Ảnh: Tư liệu CĐV.

Sau đó, “thiếu tá” Lê Quang Ninh chạy xe Jeep tới gặp chỉ huy Trung đoàn 98, giới thiệu mình là cán bộ binh vận mang bí số 110 được cài cắm vào hàng ngũ địch có nhiệm vụ thực hiện cuộc binh biến, đưa binh sĩ về với cách mạng.

Dưới sự phối hợp của bộ đội Trung đoàn 98 Quân Giải phóng theo lệnh của ông, toàn bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50 ngụy (khi đó có khoảng 270 người), với đầy đủ vũ khí, khí tài quân sự di chuyển về ấp An Thành (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh).

Sau đó, qua máy truyền tin vô tuyến, Lê Quang Ninh liên tục kêu gọi các đơn vị địch buông súng, ly khai quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông gọi cho Tiểu khu Tây Ninh, Tiểu khu Hậu Nghĩa, Chi khu Gò Dầu, Chi khu Trảng Bàng, Thiết đoàn 10, Trung đoàn 46, Trung đoàn 49, Trung đoàn 50 thuộc Sư đoàn 25 và điện đàm cả với bộ chỉ huy sư đoàn yêu cầu "tự cứu lấy mình", buông súng để đỡ đổ máu.

Hầu hết các đơn vị của tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn đang rệu rã tinh thần càng thêm hoảng sợ khi nghe tin lực lượng ứng cứu cơ động đã phản chiến. Trước sức ép và đòn tấn công của Quân Giải phóng, một số đơn vị tuyến phòng thủ Củ Chi tan rã dần. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 50 lui về rừng cao su cạnh chợ Củ Chi rồi tan rã. Thiết đoàn 10 rời Lộc Giang, chia ra từng tốp nhỏ ba bốn chiếc chạy về hướng Củ Chi rồi tự giải tán. Tiểu khu Tây Ninh, Chi khu Trảng Bàng, Chi khu Gò Dầu tự tan rã. Trung đoàn 49 và một số binh sĩ địa phương quân Đức Hòa lùi về tuyến phòng thủ của Biệt khu thủ đô, tan rã trên cánh đồng An Hạ…

Sự kiện chỉ huy đơn vị làm binh biến phản chiến của ông Lê Quang Ninh đã làm giảm đáng kể máu xương của Quân Giải phóng ở tuyến phòng thủ tây bắc, giúp Quân đoàn 3 thuận lợi áp sát Sài Gòn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khởi nghĩa, ông Lê Quang Ninh dẫn Tiểu đoàn 1 di chuyển về rạch Bùng Binh, bàn giao cho Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, ngày 7/5/1975, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Tây Ninh đã tổ chức mít tinh, trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Ba cho các nghĩa binh của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông Lê Quang Ninh được phân công làm công tác tại cơ quan phản gián của Công an TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, ông tiếp tục tham gia phá nhiều vụ án gián điệp, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và an ninh trật tự cho đất nước trước khi nghỉ hưu.

Với chiến công xuất sắc khi hoạt động trong hàng ngũ địch, ông Lê Quang Ninh đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và hạng Ba. Tháng 4/2011, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 20/6/2018, Anh hùng LLVTND Lê Quang Ninh từ trần vì trọng bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi.

Đại tá Bùi Thuận Hóa

Nguyên Trưởng phòng Dân vận, Cục Dân vận, TCCT