Người ảo xâm chiếm thị trường livestream bán hàng tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một số công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nhân vật ảo có khả năng thực hiện các phiên livestream bất kể ngày đêm.

Ảnh: First Post
Ảnh: First Post

Lĩnh vực livestream bán hàng đầy béo bở của Trung Quốc được biết đến với việc bán mọi thứ từ son môi, đồ ăn thức uống đến điện thoại thông minh, ô tô và thậm chí cả dịch vụ phóng tên lửa. Thị trường này có thể dễ dàng tạo ra doanh thu hàng chục tỉ USD chỉ sau một đêm trong các sự kiện bán lẻ lớn như dịp tết, noel, valentine...

Trong khi các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến và Hàng Châu đang chạy đua thiết lập một trung tâm livestream bán hàng toàn cầu, một số công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nhân vật ảo có khả năng thực hiện các phiên livestream bất kể ngày đêm.

AI tạo sinh như ChatGPT và các dịch vụ tương tự, có thể được sử dụng để tạo nội dung, âm thanh, hình ảnh, văn bản và video.

Các ứng dụng dành cho trí tuệ nhân tạo AI này đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự gián đoạn sâu rộng đối với một số nghề nghiệp truyền thống nhất định ở Trung Quốc nói riêng và thị trường việc làm trên toàn thế giới nói chung.

Sự xuất hiện của các người ảo thế hệ mới được hỗ trợ bởi AI có khả năng làm gián đoạn trầm trọng "kế sinh nhai" của hơn 400.000 người bán hàng trực tiếp trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm Taobao Live của Alibaba Group Holding, WeChat của Tencent Holdings, Douyin và Kuaishou Technology.

Theo Hugo Huang, người sáng lập nhà cung cấp người ảo có trụ sở tại Quảng Châu có tên là Sansongshuzi, chi phí thuê một người ảo cho các chiến dịch tiếp thị trực tuyến thấp hơn nhiều so với việc thuê người thật làm công việc tương tự. Được biết, công ty của Hugo cung cấp một người ảo chỉ với 500 nhân dân tệ (70 USD Mỹ) mỗi tháng, có khả năng xuất hiện trong các video ngắn và cả các buổi livestream bán hàng trực tiếp.

Trong khi đó, chi phí thông thường để thuê một streamer thật và studio phục vụ cho việc livestream tốn khoảng 6.900 USD/tháng (50.000 nhân dân tệ). Điều này khiến việc sử dụng người ảo trở thành một lựa chọn hiệu quả hơn nhiều về mặt chi phí cho các doanh nghiệp. Sự khác biệt đáng kể về chi phí này có thể sẽ đẩy nhanh việc áp dụng các người ảo dẫn đến tình trạng nhiều người phát trực tiếp buộc phải từ bỏ công việc hiện tại của họ

Một số thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến việc khám phá khả năng của người ảo do AI điều khiển.

Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chuyên phát triển và vận hành người ảo WH Zones Gao Zilong cho biết một số thương hiệu lớn tham gia vào thị trường livestream bán hàng của Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thử nghiệm các người ảo được tạo bởi AI. Gao tiết lộ một công ty điện tử ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và một tập đoàn mỹ phẩm quốc tế đang hợp tác với WH để khởi động các chiến dịch livestream sử dụng người ảo được mô phỏng theo một số người nổi tiếng ngoài đời.

Gao tin rằng việc kết hợp công nghệ của người ảo với sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng có thể nâng cao đáng kể doanh số bán hàng trực tuyến của một thương hiệu.

Hiện tại, có hai loại người ảo đang được phát triển: công nghệ mô phỏng hai chiều (2D) và ba chiều (3D). Mặc dù nhân vật ảo 2D tiết kiệm chi phí hơn nhưng người ảo 3D mang lại tiềm năng sáng tạo lớn hơn. Tuy nhiên, chi phí để người ảo thực hiện việc bán hàng một cách trơn tru có giá còn cao hơn cả thuê người thật làm việc.

Bất chấp những mối quan tâm xung quanh người ảo trong thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp của Trung Quốc, ứng dụng AI này vẫn mới chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển. Zhang Yi, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu iiMedia, nhận xét rằng ứng dụng này hiện đang bị hạn chế và vẫn hiện tại nhiều cuộc tranh luận vẫn diễn ra về việc liệu các mô hình kinh doanh này có thể được áp dụng rộng rãi hay không.

Ngoài những lợi ích về chi phí, Zhang tin rằng những khách hàng trẻ tuổi sẽ dễ bị thu hút bởi các nhân vật ảo này. Sự hấp dẫn của người ảo đối với thế hệ trẻ có thể giúp Trung Quốc sớm áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên AI này trong thị trường livestream bán hàng tại quốc gia tỉ dân này.

Tại một sự kiện gần đây do Baidu tổ chức ở Hàng Châu, "gã khổng lồ" tìm kiếm trực tuyến Trung Quốc giới thiệu một quy trình làm việc dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ được sử dụng để đào tạo chatbot Ernie Bot. Chỉ cần nhập các từ khóa như “sầu riêng Golden Pillow Thái Lan”, “doanh số hàng tháng là 100.000” và “không ít hơn 300 từ”, nó sẽ tạo ra một kịch bản để người bán hàng giới thiệu sản phẩm và nội dung để tương tác với khán giả trong buổi livestream.

Baidu đã chia sẻ câu chuyện thành công của một nhà cung cấp đã sử dụng giải pháp AI tương tự để bán vé cho Disneyland Thượng Hải. Hoạt động này đã mang lại doanh thu ấn tượng lên tới 540.000 nhân dân tệ (75.000 USD) chỉ sau một tháng.

Bất chấp những lợi thế mà AI mang lại trong ngành thương mại điện tử, nhà sáng lập Sansongshuzi chỉ ra rằng những buổi bán hàng của người ảo thường bị giảm tương tác vì một số nền tảng như Douyin và Kuaishou vẫn ủng hộ các streamer là người thật hơn.

Theo First Post