Ông Lâm Thái Cường mới đây đã tới Báo Thanh Niên phản ánh về việc không được Phòng Quản lý đô thị Q.7 (TP.HCM) cấp phép xây dựng tạm cho khu đất rộng 240 m2 tại P.Phú Thuận (Q.7).
“Cửa” nào cũng “chờ ý kiến”
Cụ thể, ngày 24.12.2015 anh lên Phòng Quản lý đô thị xin phép xây dựng trên khu đất nêu trên và được hẹn 10 ngày sau lên nhận kết quả. Đến ngày hẹn, anh tiếp tục nhận được câu trả lời là chờ thêm. Đến tháng 3.2016 anh lên Phòng Quản lý đô thị Q.7 hỏi kết quả thì nhận được câu trả lời “chờ ý kiến của Sở Xây dựng TP”. Mới đây anh Cường lên Sở Xây dựng gặp người phụ trách cấp phép xây dựng khu vực Q.7, Nhà Bè thì được trả lời “chờ ý kiến của UBND TP”.
“Ban đầu quận có chủ trương cho xây dựng tạm, khi nào có thu hồi đất thì phải đập bỏ nhà không được đền bù. Gia đình tôi đã chấp nhận và lên quận làm cam kết nhưng đến ngày 3.6 quận trả lại hồ sơ nói chờ hướng dẫn của Sở Xây dựng. Tôi lên Sở thì cán bộ Sở nói chờ UBND TP. Tôi qua UBND TP thì nơi đây nói trách nhiệm thuộc về Sở. Khu quy hoạch này đã có khoảng 20 năm, đất của tôi đã chuyển lên đất ở từ năm 2014 nhưng nay lại cấm không cho người dân xây nhà, để đất hoang phí trong khi dân không có nhà ở, phải đi thuê mà dự án không biết bao giờ mới làm”, ông Cường bức xúc.
Chị Phương nhà ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) cũng cho biết mới đây khi lên Phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Đức để xin phép xây dựng cho khu đất rộng 1.000 m2 làm 3 căn nhà chia cho 3 đứa con, nhưng được trả lời chỉ cấp phép xây dựng tạm cho khu đất trên và yêu cầu chị phải cam kết tháo dỡ, không được đền bù khi chủ đầu tư tiến hành thu hồi đất để làm dự án.
“Đất nhà tôi là đất ở. Bỗng dưng nhà nước vẽ quy hoạch lên đó rồi không cho tôi xây nhà, chỉ được xây nhà tạm rồi sau này phải đập đi không được bồi thường. Phải chi đó là dự án công ích như điện, đường, trường, trạm tôi còn chấp nhận. Còn đất của tôi nằm trong quy hoạch khu chung cư cao tầng của doanh nghiệp. Nếu là dự án thương mại thì phải cho người dân xây dựng nhà cửa, sau này doanh nghiệp làm dự án thì thương lượng bồi thường cho người dân chứ sao lại đi hạn chế quyền của dân để bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp?”, chị Phương đặt câu hỏi.
Không chỉ tại hai địa phương trên, hiện tại các quận, huyện khác cũng đang xảy ra tình trạng cấp phép xây dựng bị đình đốn. Một lãnh đạo H.Nhà Bè cho biết cũng đang tạm dừng cấp phép xây dựng tạm để chờ quyết định mới của TP. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là khi người dân có đất mục đích sử dụng là đất ở.
Quy định “đá nhau”
Theo Phó chủ tịch UBND Q.7 Đào Gia Vượng, lô đất của ông Cường thuộc quy hoạch đất hỗn hợp. Nếu căn cứ Quyết định số 27 của UBND TP ngày 4.8.2014 quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP thì ông Cường được cấp giấy phép xây dựng chính thức. Tuy nhiên, ngày 22.2 Sở Xây dựng có Văn bản số 2417 về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo Quyết định 27, trong đó có nêu việc cấp giấy phép xây dựng phải thực hiện đúng quy định của luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59 về quản lý đầu tư xây dựng, những nội dung nào trong Quyết định 27 trái với luật và nghị định thì không được áp dụng.
Trả lời về việc chị Phương chỉ được cấp phép xây dựng tạm và buộc cam kết tháo dỡ, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết khu đất nằm trên quy hoạch đất dân cư xây dựng mới dạng chung cư cao tầng theo bản đồ quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 đã được quận ban hành năm 2008. Căn cứ luật Xây dựng năm 2014 và Văn bản 2417 của Sở Xây dựng thì khu đất này chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn (xây dựng tạm - PV). Đồng thời chủ đầu tư phải cam kết tự tháo dỡ công trình xây dựng khi nhà nước thực hiện quy hoạch.
Theo lãnh đạo một phòng quản lý đô thị, trước đây Quyết định 27 của UBND TP cho phép người dân có đất ở trong các khu vực quy hoạch được cấp phép xây dựng tạm đến 5 tầng. Trong giấy phép xây dựng tạm cũng quy định rõ, nếu trong 5 năm TP thực hiện quy hoạch, người dân sẽ không được đền bù. Ngược lại, sau thời gian 5 năm nếu không thực hiện quy hoạch các hộ dân sẽ được đền bù bình thường.
Lúc ban hành Quyết định 27, ông Nguyễn Hữu Tín, khi đó đang là Phó chủ tịch UBND TP, nói rằng quyết định này là để giải quyết bức xúc cho người dân. Điển hình như khu Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), 30 năm nay người dân không xây, sửa nhà được gì hết mà dự án thì cứ ngâm hoài chưa làm. Phải trả lại quyền lợi cho người dân. Ông Tín lúc đó còn khẳng định cơ chế cấp phép như trên ông đã báo cáo với Thường vụ Thành ủy và đã được chấp thuận. Theo vị này, Quyết định 27 của TP đã giải quyết được bức xúc của người dân nhưng khi luật Xây dựng ra đời thì những quy định trong Quyết định 27 của TP đã vượt quá những giới hạn của luật cho phép.
Bởi theo luật Xây dựng quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, thì đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo. Nghị định 59 sau đó cũng yêu cầu, những gì sai so với luật Xây dựng thì phải hủy bỏ, điều chỉnh. Đây là lý do vì sao việc cấp phép xây dựng tạm tại TP bị chững lại.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện sở này đang lấy ý kiến các cơ quan để sửa Quyết định 27 trên tinh thần những cái trong luật không làm được nhưng với đặc thù của TP không giải quyết thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người dân, nên TP sẽ xin cơ chế đặc thù là sẽ tiếp tục duy trì việc cấp phép xây dựng tạm như trong Quyết định 27 triển khai mấy năm nay.
Theo Thanhnien