Ngộ độc thực phẩm nặng sau khi ăn 1 quả đào

VietTimes – Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu cho một bệnh nhân nữ 64 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một quả đào.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)

Chưa xác định được nguyên nhân

Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi ăn một quả đào, bà Nguyễn Thị T., 64 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.

Qua khai thác bệnh sử của bệnh nhân, các bác sĩ cho hay, trước đó bà T. đã mua đào từ một gánh hàng rong. Sau khi ăn 1 quả đào được 30 phút thì bà T. bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục dẫn đến mất nước trầm trọng. Người nhà đã đưa bà T. đến bệnh viện gần nhà nhưng do bệnh cảnh quá nặng, bệnh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên các bác sĩ đã chuyển tuyến bà lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Nguyên nhân chính khiến bà T. bị ngộ độc vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, các bác sĩ chẩn đoán có thể do 2 nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là nghi ngờ do trong quả đào có hóa chất bảo quản bởi trên thị trường có quá nhiều loại hóa chất bị sử dụng một cách tùy tiện. Nguyên nhân thứ 2 có thể là do độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn). Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. đã cải thiện.

Ngộ độc thực phẩm gia tăng khi chuyển mùa

Từ thực tế bệnh nhân khám bệnh và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, BS. Nguyên chia sẻ: Ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân và rải rác tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, bệnh tập trung chủ yếu vào giai đoạn nắng nóng, mùa xuân sang hè.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm có thể do vi sinh vật, do hóa chất, độc tố tự nhiên, đặc biệt là do vi sinh vật chiếm nhiều nhất. Tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp do ngày càng có nhiều loại hóa chất. Hơn nữa, việc kiểm soát trước khi thực phẩm đến bàn ăn vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Người dân ăn rồi bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu đã khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán do việc xét nhiệm độc chất cần phải có các máy móc chuyên dụng mà bệnh viện lại không có. Thực tế, các loại máy móc chuyên dụng chỉ được bố trí ở các cơ sở kiểm định, viện nghiên cứu, pháp y.

Theo BS. Nguyên, ngộ độc thực phẩm thường có các triệu chứng điển hình như: nôn, đau bụng, tiêu chảy,… nếu triệu chứng điển hình thì sẽ có từ 2 người trở lên cùng bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh.

Người dân và nhân viên y tế cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh nặng, phức tạp nếu có các biểu hiện về tiêu hóa hoặc nhiễm trùng nhưng ở mức độ nặng (nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C,…). Cùng với đó, người bệnh có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu ở các cơ quan không phải tiêu hóa như thần kinh (rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, lơ mơ, bất tỉnh,…) hoặc tim mạch (mạch quá nhanh hoặc quá chậm, không đều, huyết áp tụt, khó thở,…)

Khi người bệnh có các dấu hiệu nặng như vậy thì gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Nếu chỉ có các triệu chứng về tiêu hóa, bệnh nhân có thể uống nước thì nên cho bệnh nhân uống dung dịch ORESOL - uống thay nước cho hết khát, uống tiếp nếu còn tiêu chảy hoặc uống nước khoáng.

Làm gì để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong ngày hè?

Để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, BS. Nguyên khuyến cáo người dân cần chú ý tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

BS. Nguyên cho biết: Ở các nước phát triển xứ lạnh, người dân được khuyên để thức ăn ở ngoài không quá 2-3 giờ. Còn ở nước ta trong điều kiện trời nóng như hiện nay thì thực phẩm nhanh ôi thiu là dễ hiểu.

Qua nghiên cứu, các thực phẩm nhanh bị ôi thiu và dễ gây ngộ độc do vi khuẩn là các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa, giàu chất đạm, nhất là lại chế biến qua nhiều khâu, như tiết canh, lòng lợn, hải sản, canh cua, đậu phụ, patê, các thức ăn giàu chất đạm nhưng chứa nhiều nước (dạng nhão hoặc lỏng),…

BS. Nguyên nhấn mạnh: Những người có sức đề kháng yếu (giảm miễn dịch) như đái tháo đường, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư, các bệnh tự miễn dịch), người bị bệnh gan, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ,… không nên ăn sống, đặc biệt là thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh. Nếu ăn vào dễ bị nhiễm khuẩn nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong so với người bình thường. Để phòng, chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm do các độc tố tự nhiên như cá nóc, sắn, măng,…người dân cần tránh ăn các thực phẩm có độc tố và cẩn thận với thực phẩm được coi là đặc sản, độc, lạ.

Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định. Người dân cần đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín,… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân cần tuân thủ 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn để bảo vệ bản thân và gia đình:

1. Chọn thực phẩm an toàn.

2. Nấu kỹ thức ăn.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch.