Nghịch nhai 3 viên thuốc ngủ Rotunda, bé 2 tuổi phải đi cấp cứu

 VietTimes -- Một em bé 2 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội phải tới Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để cấp cứu do ngộ độc thuốc ngủ. Gặp được bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, cháu được cứu chữa kịp thời và ra viện ngay ngày hôm sau. 
Phụ huynh không nên để thuốc ở trong tầm với của trẻ, cho trẻ nghịch thuốc hoặc ví thuốc như kẹo khiến trẻ hiểu lầm, dễ bị ngộ độc.
Phụ huynh không nên để thuốc ở trong tầm với của trẻ, cho trẻ nghịch thuốc hoặc ví thuốc như kẹo khiến trẻ hiểu lầm, dễ bị ngộ độc.

Theo lời kể của gia đình, do cháu bé nghịch vỉ thuốc, lấy 3 viên nhét vào miệng và nhai nên bị ngộ độc.

Bác sĩ Cao Thu Quế (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết, những viên thuốc có màu sắc bắt mắt khiến trẻ nhầm đó là kẹo có thể ăn được. Bên cạnh đó, trẻ có tính tò mò với những đồ vật xung quanh nên thường đưa đồ vật lên mũi ngửi, hoặc cho vào miệng để nhai.

Những ca cấp cứu cho trẻ em ngộ độc do uống nhầm thuốc hoặc ăn phải hóa chất độc hại rất phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự bất cẩn của người lớn, bố, mẹ khi để thuốc, hóa chất ở trong tầm với của trẻ. Phần lớn thuốc và hóa chất đều rất độc hại, có thể khiến trẻ thiệt mạng nếu không cấp cứu kịp thời.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần đặt các loại thuốc ở xa tầm với của trẻ để tránh các cháu nghịch ngợm, uống thuốc rồi bị ngộ độc.; không nên ví thuốc giống như kẹo để khiến trẻ hiểu nhầm, bị lừa uống thuốc.

Trong trường hợp trẻ nuốt phải thuốc của người lớn, bố mẹ cần làm cho trẻ nôn thuốc ra càng sớm càng tốt sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, mang theo mẫu thuốc trẻ đã uống để được điều trị kịp thời. 

Đối với các gia đình ở xa cơ sở y tế hoặc không thể đi cấp cứu ngay lập tức, phụ huynh hoặc người giám hộ cho trẻ hãy gọi điện thoại đến khoa cấp cứu để được hướng dẫn cấp cứu tạm thời và cố gắng tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.