Nghi vấn điều tra 6 doanh nghiệp tăng vốn khống

Đại diện phát ngôn UBCKNN đã lên tiếng trấn an trước thông tin cơ quan điều tra đang theo dõi 6 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về phát hành riêng lẻ, phát hành khống để tăng vốn khống, nhưng thị trường vẫn có phản ứng khá tiêu cực trong 2 phiên giao dịch đầu tuần. Các đồn đoán lần lượt xuất hiện.
Không ai biết cụ thể danh sách các DN bị nghi vấn, nên tâm lý nghi ngờ trong một bộ phận NĐT càng lớn

Không phải cứ nghi vấn, điều tra là có sai phạm

Trao đổi với ĐTCK ngày 29/9, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên tôi đề cập về thông tin bên cơ quan an ninh điều tra có nhắc đến nghi ngờ 6 trường hợp doanh nghiệp liên quan đến phát hành riêng lẻ, phát hành khống, trong đó lần đầu từ hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định 60/2015/NĐ-CP tại Hà Nội từ lâu, nhưng không hiểu sao đến lần này, một số báo đưa tin không chuẩn như thế và nhà đầu tư lại có phản ứng tiêu cực như vậy. Các anh em trong UBCK thì thấy thông tin này hết sức bình thường, vì đó chỉ là vấn đề hoạt động nghiệp vụ của các bên”.

Trước đó, ngay sau khi thị trường xuất hiện thông tin cơ quan điều tra đang theo dõi 6 trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về phát hành riêng lẻ, phát hành khống, ông Công đã khẳng định, UBCK chưa nắm được danh sách các trường hợp này. Theo ông Công, cơ quan điều tra thấy có dấu hiệu vi phạm thì sẽ tìm hiểu, điều tra, nhưng không phải cứ nghi vấn, điều tra là có sai phạm.

Thế nhưng, ngay cả khi thông tin phản hồi này xuất hiện trên báo chí, vẫn có ý kiến cho rằng, việc cơ quan an ninh, điều tra vào cuộc chứng tỏ… sự việc càng nghiêm trọng hơn.

Trên TTCK, nhiều nhà đầu tư mang theo tâm lý nghi ngờ nêu trên, nhất là trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường trong những ngày qua khá eo hẹp. Vì thế, chút bình tĩnh của khoảng thời gian mở cửa phiên giao dịch ngày 28/9 không giữ được bao lâu. Càng về cuối phiên, thị trường càng chịu áp lực bán vì lo ngại.

Một thông tin chưa chính xác được tung ra trong bối cảnh TTCK đang nhạy cảm, vô tình gây thiệt hại cho không ít nhà đầu tư khi thị trường sụt giảm. Do không ai biết cụ thể danh sách các doanh nghiệp bị nghi vấn, nên tâm lý nghi ngờ trong một bộ phận nhà đầu tư càng lớn hơn.

Doanh nghiệp nào trong diện nghi vấn tăng vốn khống?

Trong khi UBCK khẳng định, chưa có thông tin về danh sách 6 doanh nghiệp bị nghi vấn liên quan đến phát hành riêng lẻ, phát hành khống, thì thị trường lại tích cực… dự đoán. Liệu có phải danh sách sẽ bao gồm các doanh nghiệp niêm yết tăng vốn mạnh?

Theo ông Công, đối với trường hợp nghi vấn về phát hành tăng vốn khống, đó không phải là doanh nghiệp niêm yết, cũng không phải là một cái tên xa lạ với công chúng, mà là một đơn vị đã… bị lộ từ lâu - Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB).

Cụ thể, ngày 29/7/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, ông Phạm Công Danh, cùng với 2 người khác là nguyên Tổng giám đốc VNCB, ông Phan Thành Mai và ông Mai Hữu Khương bị bắt để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 165 Bộ luật Hình sự). Thế nhưng, phải đến khi những vi phạm tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) bị phát hiện, thì nguyên nhân liên quan đến “lùm xùm” tại VNCB mới được công bố.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, ông Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.413,867 tỷ đồng của Ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Lần giở lại lịch sử tăng vốn của VNCB, ngày 25/12/2013, UBCK nhận được báo cáo kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ của ngân hàng này. Cụ thể, VNCB đã phát hành 450 triệu cổ phần riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.

Như vậy, với thông tin về kết quả phát hành tăng vốn của VNCB và số tiền rút ra từ Ngân hàng, có thể việc tăng vốn lên 7.500 đồng chỉ mang ý nghĩa về sổ sách, giấy tờ, mà không mang lại thêm nguồn lực tài chính cho VNCB. Đây có thể là lý do VNCB vẫn chỉ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng khi bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng sau đó, chứ không phải con số 7.500 tỷ đồng.

Trường hợp phát hành riêng lẻ nào bị coi là đáng nghi vấn?

Ngoài khẳng định doanh nghiệp bị nghi vấn không có nghĩa là có vi phạm, ông Công cho hay, đề cập về thông tin bên cơ quan an ninh điều tra có nhắc đến nghi ngờ 6 trường hợp doanh nghiệp liên quan đến phát hành riêng lẻ, phát hành khống là để UBCK giải thích về vấn đề siết phát hành riêng lẻ như tinh thần của Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Có thể hiểu rằng, vấn đề mà UBCK đang muốn nói đến ở đây là các trường hợp phát hành riêng lẻ… có vấn đề. Từ câu chuyện của VNCB có thể thấy, diện nghi vấn không hẳn là doanh nghiệp niêm yết. Nhưng với các doanh nghiệp niêm yết, những trường hợp phát hành riêng lẻ nào bị coi là đáng nghi vấn?

Tháng 4/2015, ĐTCK đã có bài viết “Lộ diện chiêu tăng vốn ảo trên TTCK”, nói về những trường hợp tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để hoán đổi đầy bất thường trên TTCK, trong đó trường hợp được nhắc đến đầu tiên là CTCP Khoáng sản Bắc Giang (BGM) tăng vốn điều lệ thêm 230 tỷ đồng lên mức 457,53 tỷ đồng nhờ hoán đổi cổ phần của CTCP Nature Việt - một doanh nghiệp hết sức mù mờ về thông tin. Việc BGM hoán đổi 230 tỷ đồng mệnh giá cổ phần có thị giá xấp xỉ 90 tỷ đồng khiến thị trường đặt dấu hỏi về khả năng công ty này tăng vốn ảo.

Trường hợp khác, CTCP Đá Spilit (SPI) được ĐTCK “điểm danh” với nghi vấn về tính xác thực của đợt tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 126,15 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu hoán đổi cho CTCP Môi trường Quốc Bảo, một doanh nghiệp dù mới chỉ hoạt động 1 năm trước khi có phương án sáp nhập, nhưng giá trị cổ phiếu được định giá gấp 4,85 lần mệnh giá!

Ngoài những trường hợp tăng vốn mạnh thông qua phát hành hoán đổi cổ phiếu như trên, một loạt doanh nghiệp tăng vốn mạnh ngay trước khi niêm yết, thậm chí thua lỗ triền miên hoặc hoạt động èo uột và bất ngờ lãi lớn, tăng vốn, niêm yết cũng không còn là chuyện hiếm. Trong mạch theo dõi những doanh nghiệp có “vết” về phát hành riêng lẻ, phát hành khống, đây mới chính là nhóm những doanh nghiệp cần được thị trường… cảnh giác.

Theo ĐTCK