Ngày 14/10 hàng năm được 3 tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới, với mục tiêu đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới, đồng thời tôn vinh nỗ lực và sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
Từ năm 1970, 3 tổ chức này đã thống nhất lấy ngày 14/10 hàng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Tính đến nay đã vừa tròn 50 năm.
Đây cũng là dịp để các quốc gia thành viên của Tổ chức ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của giới kinh doanh, giới công nghiệp, quản lý và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Với tư cách là thành viên của 3 tổ chức này, Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.
Chủ đề Ngày 14/10/2020 là Tiêu chuẩn giúp bảo vệ hành tinh (Protecting the planet with standards) đề cao vai trò của tiêu chuẩn trong việc cung cấp công cụ và giải pháp giúp giảm thiểu các tác động về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...
Nội dung Thông điệp:
Trái đất, một con tàu hữu hạn của sự sống trong sự bao la của hệ mặt trời. Sự sống trên trái đất phụ thuộc vào năng lượng đến từ mặt trời. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ qua, các hoạt động công nghiệp quy mô lớn của con người và nền văn minh hiện đại của chúng ta đã đưa thêm cả khí nhà kính vào thiên nhiên.
Điều này tác động tiêu cực tới khí hậu và tới tất cả các dạng sự sống khác. Song song với đó, sự tăng trưởng dân số nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa đang kêu gọi con người phải sử dụng các nguồn lực hạn chế một cách có trách nhiệm hơn.
Để giảm thiểu tác động của con người lên hành tinh, chúng ta cần có ý chí chính trị, hành động cụ thể và các công cụ phù hợp. Tiêu chuẩn quốc tế là một trong những công cụ như vậy. Các tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi IEC, ISO và ITU đưa ra các giải pháp đã được kiểm chứng và đúng đắn với các thách thức kỹ thuật. Tiêu chuẩn giúp chia sẻ kiến thức và bí quyết chuyên môn rộng rãi giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển.
Tiêu chuẩn bao trùm tất cả các khía cạnh như tiết kiệm năng lượng, chất lượng nước và chất lượng không khí. Tiêu chuẩn đặt ra các giao thức chuẩn hóa và phương pháp đo lường.
Việc sử dụng rộng rãi các tiêu chuẩn đã giúp giảm thiểu tác động môi trường của các quá trình sản xuất và quy trình công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho tái sử dụng các nguồn lực hạn chế cũng như giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.