Ngày Tết: Đừng giao tính mạng vào tay tử thần chỉ vì … tiết canh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong những ngày Tết cổ truyền, tiết canh là món “khoái khẩu” của không ít người dân. Tiếc rằng, món ăn này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.
ThS. BS. Đồng Phú Khiêm chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)
ThS. BS. Đồng Phú Khiêm chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý)

Bệnh nặng chỉ vì ăn ngon

Từ xưa đến nay, tiết canh vẫn luôn là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là cánh mày râu. Tuy nhiên, đằng sau món ăn này lại là những nguy cơ mắc bệnh gây tổn hại nặng nề đến sức khoẻ.

Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Ngày Tết, số bệnh nhân nhập viện vì nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường khá lớn, vì ăn tiết canh hoặc do giết mổ lợn. Trong những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn nhập viện có nhiều người mắc bệnh nặng dẫn đến tình trạng suy đa tạng, viêm màng não mủ. Nếu người bệnh đến bệnh viện muộn, hoặc nằm để hồi sức cấp cứu trong thời gian dài thì các bác sĩ sẽ vô cùng vất vả để điều trị cho bệnh nhân.

Tiết canh (Ảnh minh hoạ)

Tiết canh (Ảnh minh hoạ)

Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn mắc bệnh nặng. Hình ảnh của những bệnh nhân này khiến các bác sĩ không thể nào quên, kể cả với người không làm trong ngành y hoặc sinh viên, chỉ cần đi qua 1 lần thôi cũng sẽ cảm thấy “ám ảnh”. Bởi nhiều bệnh nhân bị hoại tử toàn bộ bề mặt da ở đầu, tay, mặt,…

“Chỉ cần tìm kiếm trên google hình ảnh bệnh liên cầu lợn là chũng ta có thể thấy bệnh này vô cùng rất kinh khủng. Có trường hợp bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh nhưng để lại những di chứng vô cùng đau đớn như: điếc tai, hoại tử hết các đầu ngón tay không thể giữ được nên phải tháo cụt hết” – BS. Khiêm nói.

Chính vì thế, BS. Khiêm mong muốn mỗi người ctrong chúng ta cần thông cảm với người bệnh liên cầu lợn, đặc biệt, các cơ quan truyền thông, báo chí cần chia sẻ, tuyên truyền thực hiện ăn chín, uống sôi để người dân hiểu, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khoẻ trước nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

BS. Khiêm cho hay: “Dân mình thường cho rằng để dành lợn sạch để ăn tiết canh thì không sao, nhưng thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lại khu trú phần lớn trong hầu họng ở lợn. Mà ngay cả những con lợn khỏe cũng có vi khuẩn đó (lượng vi khuẩn nhiều sẽ gây bệnh). Không chỉ vậy, động tác người dân chọc tiết lợn, vệ sinh,… tại nhà khi mổ lợn không thể làm sạch hết được lượng vi khuẩn ở lợn. Nếu chẳng may người có sức đề kháng kém mà ăn phải tiết canh lợn chứa vi khuẩn thì không thể lường trước được hậu quả.

Làm thế nào để phòng bệnh vào từ miệng?

Năm nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa gặp ca nào mắc bệnh liên cầu lợn nhưng cứ đến dịp Tết thì sẽ có nhiều bệnh nhân phải nhập viện. Từ năm ngoái đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chủ yếu tập trung cho công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và những bệnh nhân nặng nên số lượng bệnh nhân vào viện vì nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn giảm.

Trước đây, mỗi năm các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều điều trị cho hàng chục người bị sốc, suy đa tạng, diễn biến nặng. Những trường hợp bị viêm màng não vì vi khuẩn liên cầu lợn chiếm khoảng 50-60%. Sau khi điều trị ở bệnh viện thì các bác sĩ đều tìm được nguyên nhân gây bệnh.

BS Khiêm theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

BS Khiêm theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh (Ảnh - Minh Thuý)

Từ thực tế điều trị bệnh nhân mắc liên cầu lợn ở bệnh viện, BS. Khiêm chia sẻ: Đa phần bệnh nhân mắc bệnh sống ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hầu hết những bệnh nhân này đều có diễn biến bệnh nặng.

Nhớ lại quá trình điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện, BS. Khiêm tâm sự: “Khi Điều trị những bệnh nhân này, tôi thực sự cảm thấy ám ảnh. Làm hồi sức, mỗi ca bệnh nặng ra đi đều để lại những ám ảnh nhất định cho các bác sĩ. Điều này khiến tôi phải trăn trở vì sao mình lại thua, thất bại và có điểm gì mình chưa biết, rút kinh nghiệm cho ca sau để nỗ lực hết sức tìm ra cơ hội cứu sống bệnh nhân đang nguy kịch”.

Chính vì thế, BS. Khiêm khuyến cáo: Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh liên cầu lợn chính là phòng bệnh. Tuỳ thuộc vào cơ địa, có người phát hiện và điều trị sớm thì các bác sĩ có thể cứu sống những vẫn có khả năng để lại di chứng.

Giết mổ lợn (Ảnh minh hoạ)

Giết mổ lợn (Ảnh minh hoạ)

Những người ăn gỏi, tiết canh… chỉ sau 20 tiếng bị nhiễm liên cầu lợn sẽ khởi phát các triệu chứng như: sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, nổi ban trên người. Có trường hợp biểu hiện bệnh rất nhanh sau ăn tiết canh. Chỉ sau 2-3 ngày, bệnh nhân không thể sinh hoạt bình thường, đi lại khó khăn. Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị bằng phương pháp lọc máu nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Những trường hợp như thế này, các bác sĩ mất rất nhiều công sức để điều trị. Về phía bệnh nhân, gia đình họ phải đổ nhiều công sức, tiền của, mất vài tuần mới có cơ may cứu được người bệnh.

Chi phí điều trị một ca suy đa tạng vì liên cầu lợn có thể lên đến 20-30 triệu/ngày để lọc máu, điều trị kháng sinh. Nếu nguòi bệnh có BHYT thì sẽ đỡ tốn chi phí điều trị. Nhưng rõ ràng, đây là một chi phí khá lớn đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa.

Ngoài bệnh liên cầu lợn, trong dịp Tết và mùa đông xuân các bác sĩ cũng hay gặp những trường hợp bệnh nhân vào viện để điều trị bệnh cúm. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mắc cúm trong năm nay đã giảm đáng kể vì người dân đã có ý thức dự phòng cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay,… thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế để phòng, chống COVID-19.