|
Theo quan điểm của ông, những ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều từ kinh tế trong năm 2015, và theo đó, xứng đáng là hàng hóa được quan tâm trên TTCK Việt Nam?
Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ chịu những tác động từ cả nội tại lẫn thế giới. Xét trong nước, nhóm ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến bất động sản, từ chính sách của Chính phủ cho phép người nước ngoài được mua nhà có hiệu lực từ tháng 7/2015. Còn xét phía bên ngoài thì có thể quan tâm các nhóm ngành được hưởng lợi từ giá dầu như vận tải.
Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, và các nhà nhập khẩu xăng dầu sẽ cắt giảm được chi phí. Trên TTCK đang có cả những doanh nghiệp niêm yết trong các ngành hàng này. Ngoài ra, ngay cả các nhà nhập khẩu nói chung cũng sẽ được hưởng lợi do giá nhập khẩu nguyên vật liệu giảm xuống.
Với BĐS, dường như ông đánh giá cao VIC (Vingroup) một doanh nghiệp ở phân khúc BĐS cao cấp. Liệu BĐS cao cấp có thực sự khởi sắc không, thưa ông? Và tại sao không phải là doanh nghiệp thuộc nhóm đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, phân khúc được Chính sách hỗ trợ nhất hiện nay?
Nếu nói về chính sách thì có 2 hướng hỗ trợ thị trường BĐS. Hướng thứ nhất là dẫn đến các nhà đầu tư trong nước và hướng thứ hai nhắm đến các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó gói hỗ trợ tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà thương mại diện tích trung bình giá thấp đã được giới thiệu cách đây hơn 1 năm. Điều đó đã phần nào tác động đến phân khúc nhà giá rẻ và khiến phân khúc này sôi động.
Thông thường sự tác động của chính sách lên thị trường cũng sẽ không nằm yên chỗ mà có tính chất lan tỏa. Sự sôi động của một phân khúc sẽ giúp ấm dần các phân khúc khác trên thị trường. Trong khi đó như đã nói ở hướng thứ hai, việc cho phép người nước ngoài mua nhà cũng hướng đến các nhà đầu tư nước ngoài, những người không thuộc diện mua nhà xã hội và thực tế các nhà đầu tư, đầu cơ nước ngoài cũng thường sẽ chọn sản phẩm bất động sản cao cấp để đầu tư. Xét mức độ tăng trưởng, thương hiệu và các dự án mà VIC đang có, tôi cho rằng đây là cổ phiếu tiềm năng đại diện cho nhóm cổ phiếu BĐS cao cấp.
Ngành bán lẻ được dự báo sẽ đầy áp lực cạnh tranh nhưng cũng hấp dẫn đặc biệt ở góc độ bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng. Tại sao ông lại đề xuất khuyến nghị đầu tư duy nhất một cổ phiếu thuộc danh mục ngành hàng này ?
Đúng là tôi có khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu Thế giới Di Động. Cũng như VIC, đây là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Xét riêng trên sàn niêm yết còn có FPT nhưng doanh nghiệp này không chỉ bán lẻ thiết bị điện tử, điện thoại di động. Trong khi ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện thoại smartphone và giá rẻ vẫn rất lớn. Đây chính là yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ, kể cả những doanh nghiệp chưa niêm yết.
Cuối cùng, xin hỏi ông suy nghĩ như thế nào về cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường M&A tại Việt Nam năm 2015?
M&A tại Việt Nam là một thị trường rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nhưng một khi đã đầu tư mua bán, sáp nhập một doanh nghiệp, tức nhà đầu tư xác định sẽ đầu tư dài hạn, gắn bó với thị trường chứ không thể nói chuyện đầu tư ngắn hay trung hạn.
Do đó sẽ chỉ có những lĩnh vực mà các nhà đầu tư ngoại đánh giá sẽ tiềm năng lâu dài, thu hút được họ. Ngoài tiêu dùng đã được thực thi M&A khá nhiều thì tôi cho rằng những lĩnh vực như Cty tài chính, chứng khoán, ngân hàng… sẽ được các nhà đầu tư muốn đặt mục tiêu M&A.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp