|
Nguyên Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến Tô Thụ Lâm. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã tiến hành khởi tố đối với nhiều quan tham trong đó có Tô Thụ Lâm, nguyên phó chủ tịch tỉnh Phúc Kiến.
Đối với Tô Thụ Lâm, cơ quan kiểm soát khởi tố các nội dung sau: Lợi dụng các chức vụ (trợ lý cục trưởng, phó cục trưởng cục quản lý dầu mỏ Đại Khánh; chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty TNHH mỏ dầu Đại Khánh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Liêu Ninh, tổng giám đốc Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Phúc Kiến) để kiếm lợi cho người khác, hoặc lợi dụng điều kiện thuận lợi nhờ chức quyền và địa vị, thông qua hành vi của cán bộ nhân viên nhà nước khác để kiếm lợi bất chính cho người khác, nhận tài sản lớn từ người khác một cách phi pháp.
Trong thời gian làm tổng giám đốc Tập đoàn Sinopec, Tô Thụ Lâm đã lạm dụng chức quyền trong quá trình thu mua dự án mỏ dầu, khiến cho lợi ích quốc gia bị thiệt hại đặc biệt to lớn, dựa vào quy định pháp luật, cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Tô Thụ Lâm về tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ của cán bộ doanh nghiệp nhà nước.
Tập 1 bộ phim tài liệu “Bảo kiếm thanh tra” của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc tiết lộ, Tô Thụ Lâm từng công tác nhiều năm trong ngành dầu khí, từ năm 2007 - 2011 đứng đầu Sinopec. Trong quá trình chức vụ không ngừng được thăng tiến, Tô Thụ Lâm lại dần dần lạc đường, cung cấp hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trên các phương diện như quảng bá thiết bị, tiếp nhận dự án, hợp tác khai thác, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nhận tài sản của họ.
Ngoài thông qua dự án để kiếm lời, bình thường Tô Thụ Lâm coi doanh nghiệp dầu khí nhà nước là ngân hàng tư nhân để có thể tùy ý rút ra sử dụng. Các doanh nghiệp trực thuộc đặt hàng quần áo cao cấp, chi tiền mua sắm trị giá vài triệu nhân dân tệ - đều được Tô Thụ Lâm nhận. Các loại chi tiêu cá nhân cũng đều báo Sinopec chi trả, cho dù sau khi đến Phúc Kiến nhậm chức vẫn như vậy. Sau khi ngã ngựa, khi nhớ lại tất cả điều này, Tô Thụ Lâm cảm thấy rất hối hận.
Trước ống kính, Tô Thụ Lâm nghẹn ngào rơi lệ: “Thực ra, mẹ tôi yêu cầu tôi rất nghiêm khắc. Năm 1994, khi tôi vừa làm giám đốc nhà máy, bà đã nói với tôi. Bà nói con làm quan rồi, cần trong sạch, làm bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, chỉ ăn cái của mình, không ăn cái của người. Vào năm 2014, bà lại nói với tôi những lời đã nói năm 1994. Lúc đó, do Trung ương đã điều tra rất nhiều người, bà đã yêu cầu tôi chú ý. Vừa đúng 20 năm, không biết nói gì”.
Căn cứ vào bản tố cáo của viện kiểm sát, Tô Thụ Lâm thực ra đã bắt đầu nhận tiền từ khi làm trợ lý cục trưởng Cục quản lý dầu mỏ Đại Khánh vào năm 1996, khi đó ông chỉ 34 tuổi.
Gần 20 năm sau đó, trên mỗi cương vị quan trọng, ông đều có hành vi nhận hối lộ. Từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2007, Tô Thụ Lâm “nhảy dù” xuống Liêu Ninh, làm thường vụ, trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Liêu Ninh trong thời gian ngắn chỉ 10 tháng, Tô cũng không quên việc phải “kiếm một khoản tiền”.
Theo báo chí, khi đó, sở dĩ Tô Thụ Lâm có thể được đề bạt đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính là khi đó hệ thống dầu mỏ Đại Khánh đã xảy ra một vụ án tham nhũng quan trọng, một loạt cán bộ bị xử lý, do đó đã tạo “không gian” lên cao cho Tô Thụ Lâm.
Điều mỉa mai là, tháng 5/1995, Tô Thụ Lâm đã trúng cử trở thành “10 thanh niên xuất sắc nhất” lần thứ tư của tỉnh Hắc Long Giang. Không ngờ, chỉ 1 năm sau ông ta đã không giữ được mình.
Theo thông tin tư liệu, sau khi tốt nghiệp Học viện Dầu khí thành phố Đại Khánh vào năm 1983, Tô Thụ Lâm được bố trí vào làm ở Phòng nghiên cứu địa chất và khai thác dầu khí thành phố. Tháng 1/1998, Tô Thụ Lâm đã làm đến chức phó bí thư đảng ủy kiêm trưởng phòng.
Năm 2000, Tô Thụ Lâm được điều chuyển sang làm phó tổng giám đốc ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Ông này chỉ làm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Liêu Ninh trong thời gian ngắn, còn phần lớn thời gian ông ta đều công tác tại CNPC và Sinopec. Đến năm 2011, Tô Thụ Lâm được điều đến công tác tại tỉnh Phúc Kiến.
Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng “đả hồ diệt ruồi” rất mạnh trên mọi lĩnh vực, trong giai đoạn 2012 - 2014, ngành dầu khí Trung Quốc đã trở thành trọng điểm của chiến dịch này.
Khi đó, nhiều quan chức lãnh đạo và cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trung Quốc từng công tác với ông Tô Thụ Lâm đã lần lượt bị bắt và đưa đi điều tra, trong đó có cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, quản lý tài sản nhà nước, cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn.
Khi còn công tác cùng nhau, quan hệ giữa Chu Vĩnh Khang, Tô Thụ Lâm và Tưởng Khiết Mẫn rất thân thiết. Mỗi lần sinh nhật Chu Vĩnh Khang, hai người còn lại đều đến chúc mừng. Chính vì vậy, khi Chu Vĩnh Khang và Tô Thụ Lâm bị công bố điều tra vào năm 2013, nhiều nguồn tin cho rằng Tô Thụ Lâm sẽ sớm bị bắt, nhưng phải đến năm 2015, điều này mới xảy ra.
Cuối tháng 11/2014, Đoàn thanh tra Trung ương Trung Quốc đã đến thanh tra Sinopec, Tô Thụ Lâm khi đó đã bị quy 2 tội: Một là kiếm lời bất chính bằng cách can dự vào các dự án đầu tư ở nước ngoài của Sinopec, chủ yếu là các dự án khai thác dầu mỏ ở Angola.
Hai là lợi dụng chức vụ để giúp cho công ty của người nhà kiếm lời từ các công trình xây dựng của Sinopec. Chẳng hạn, em gái Tô Thụ Lâm đã giành được quyền xây dựng kho dự trữ dầu ở Vịnh Dương Phố, tỉnh Hải Nam.
Là người làm ra tiền từ nguồn thu bất chính, việc tiêu tiền của bản thân Tô Thụ Lâm và người nhà cũng có vấn đề. Các chi phí cá nhân của Tô Thụ Lâm đều do Công ty TNHH Sinopec Hồng Kông gánh chịu. Vợ của Tô Thụ Lâm cũng được xác định là đã tiêu xài hoang phí ở Hồng Kông.
Có lần, vợ của Tô Thụ Lâm mang theo 20 túi hàng hiệu nhập cảnh vào Đại lục đã bị hải quan giữ lại, nhưng cuối cùng bà này đã đưa về trót lọt nhờ vào mối quan hệ.
Khi sang làm quan ở tỉnh Phúc Kiến, Tô Thụ Lâm đã thấy nguy cơ bị bắt, vì vậy, ông ta đã tỏ ra giữ gìn hơn, thay đổi tác phong, từ bỏ lối sống hoang phí trước đây. Ông ta cố gắng trốn tránh nơi đông người. Tuy nhiên, cuối cùng, Tô Thụ Lâm đã vẫn bị sa lưới pháp luật, ông ta bị bắt vào ngày 7/10/2015. Đến tháng 2/2018, Tô Thụ Lâm cùng nhiều quan tham khác của Trung Quốc đã bị khởi tố.