Theo NFSC, trong 10 năm qua, xu hướng tiêu dùng thị trường Việt Nam thay đổi rõ rệt, người dân sẵn sàng chi tiêu trước cho các nhu cầu đời sống thay vì tiết kiệm trước, chi tiêu sau; chuyển từ tiền mặt sang thẻ tín dụng trong thanh toán và sử dụng các kênh bán lẻ trực tuyến thay vì chuỗi cửa hàng bán lẻ như trước kia.
Xu hướng trên tác động lớn đến tín dụng tiêu dùng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD).
Cụ thể, theo thống kê của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bình quân là 20%/năm từ năm 2010 tới nay. Thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm NHTM (chiếm 90,7%), nhóm công ty tài chính (CTTC) chỉ chiếm 9,3%.
Sự chênh lệch lớn về thị phần của hai nhóm là do danh mục cho vay của các NHTM chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cho vay mua nhà, mua ô tô trong khi nhóm CTTC hướng đến các khoản vay giá trị thấp hơn.
“Trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh và có sự dịch chuyển từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”, NFSC dự báo và dẫn chứng: “Nhiều TCTD xác định chiến lược phát triển trong thời gian tới mở rộng tín dụng tiêu dùng (Maritime Bank, VPBank, Techcombank…) và thành lập các công ty tài chính để chuyên môn hóa tín dụng tiêu dùng”.
Thực tế ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhiều những nhà băng đã “hưởng trái ngọt” từ hoạt động dịch chuyển chiến lược theo hướng trên. Điển hình nhất có thể kể đến “hiện tượng lợi nhuận” VPBank.
Khép lại 3 quý đầu năm 2016, VPBank báo lãi 3.145 tỷ đồng trước thuế, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ 2015. Qua đó, soán ngôi MB để trở thành tổ chức dẫn đầu về lợi nhuận trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.
Đáng chú ý ở chỗ, lợi nhuận của họ không được kiến tạo chủ yếu bởi ngân hàng mẹ (chỉ góp 1.491 tỷ đồng) mà phần lớn hơn lại đến từ công ty con. Cụ thể là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC), kênh đóng góp hầu hết nửa lớn lợi nhuận còn lại. Được biết, VPB FC là đầu mối chuyên trách trong hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay dưới chuẩn của VPBank.
Theo thống kê của NFSC, hiện tại hệ thống có 14 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính, thị phần tài sản và dư nợ rất thấp, lần lượt là 1,3% và 0,3%. Tín dụng tiêu dùng cuối năm 2016 ước tính khoảng 605 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm, chiếm 11,4% tổng tín dụng. Nếu so sánh với GDP thì tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP của Việt Nam là khoảng 9,8%, tăng mạnh so với 2010 (2,3%), nhưng vẫn thấp hơn các nước như Mỹ (23%), Đức (10,5%), Anh (16%), Malaysia (14%).
Tổng quan về hệ thống các tổ chức tín dụng trong 2016
Cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực: (i) Tỷ trọng tín dụng trong tổng tài sản tăng nhẹ từ 56,6% cuối 2015 lên 58,0%; (ii) Tỷ trọng tài sản trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 15% xuống 13,2%; (iii) Tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính tăng nhẹ từ 17,1% lên 18,4%.
Cơ cấu nguồn vốn tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động từ dân cư và giảm phụ thuộc vào vốn liên ngân hàng: (i) Tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng từ 73,7% lên 76,0%; (ii) tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 11,1% xuống 10,2%; (iii) Tỷ trọng vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 6,9% xuống 6,6%.
Thị phần huy động và cho vay của các nhóm TCTD duy trì tương đối ổn định; nhóm NHTM NN và CP vẫn chiếm thị phần lớn nhất. Thị phần huy động của nhóm NHTM CP tăng từ 39,7% lên 42,9%, trong khi nhóm NHTM NN giảm từ 53,2% xuống 49,1%. Thị phần cho vay của nhóm NHTM CP ở mức 40,1%, nhóm NHTM NN là 52,9%./.