Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ

Phiên 01/02, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lần đầu tiên từ nhiều tháng qua, bắt đầu mua vào ngoại tệ ở mức giá 22.300 đồng/đô la Mỹ, theo tin từ một số ngân hàng thương mại đã bán đô la Mỹ cho NHNN.
Ngân hàng Nhà nước hôm nay bắt đầu mua vào ngoại tệ - Ảnh: TL TBKTSG

Buổi sáng ngày 1-2-2016, giá niêm yết mua vào ngoại tệ của một số ngân hàng giảm sâu, chỉ còn 22.190 – 22.200 đồng/đô la Mỹ. Buổi chiều cùng ngày, sau khi NHNN mua vào, giá niêm yết mua vào/bán ra đã nhích lên ở mức 22.200 – 22.240 đồng/đô la Mỹ. 

Trên thị trường tự do giá đô la Mỹ bán ra khoảng 22.300 đồng và mua vào 22.280 đồng tại TPHCM. 

Tổng lượng ngoại tệ mua vào của NHNN ước chỉ trong ngày 1-2-2016 là khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Nguồn tin từ một tổ chức tín dụng lớn cho biết khá nhiều ngân hàng đăng ký bán ngoại tệ, nhưng không phải cứ bán là NHNN mua. Nhà điều hành kiểm tra rất kỹ xem trạng thái ngoại hối của các ngân hàng đăng ký bán có dương không và dương ở mức nào, sau đó mới quyết định số lượng mua và giá mua, nhằm tránh tình trạng một số ngân hàng có thể đầu cơ giá xuống do nguồn cung đô la Mỹ những ngày gần đây dồi dào.

Một ngân hàng cho biết họ đăng ký bán 250 triệu đô la Mỹ, nhưng NHNN không mua hết số này. NHNN cũng đang tính toán lượng mua vào, phân bổ đều cho mỗi ngày để điều tiết cung tiền đồng. Nếu mua vào một lượng ngoại tệ quá lớn, tiền đồng bơm vào lưu thông nhiều, có thể gây mất cân bằng cung cầu đồng nội tệ.

Tuy nhiên, hiện nhu cầu tiền đồng cận Tết của doanh nghiệp và người dân rất lớn, nên việc bơm thêm tiền đồng thông qua mua vào ngoại tệ tỏ ra thuận lợi.

Lý do mùa vụ là một trong những nguyên nhân giải thích sự vượt trội của cung ngoại tệ trong hai tuần trở lại đây và đẩy tỷ giá từ mức 22.500 đồng/đô la Mỹ xuống 22.250 đồng/đô la Mỹ, tức tiền đồng tăng giá 1,11% so với đồng bạc xanh.

Thứ nhất như thường lệ, kiều hối về cấp tập vào dịp Tết, trong đó có lượng ngoại tệ không nhỏ do kiều bào về Việt Nam ăn Tết mang về. Theo NHNN, lượng ngoại tệ về nước năm 2015 ước 12,5 – 13 tỉ đô la Mỹ.

Thứ hai một số doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ đã bán ra đô la Mỹ sau khi NHNN áp dụng chính sách bán ngoại tệ kỳ hạn ba tháng (forward) cho các ngân hàng. Ngày 31-12-2015 NHNN đã bán tổng cộng khoảng 1 tỉ đô la Mỹ kỳ hạn ba tháng cho nhiều tổ chức tín dụng. Việc bán này ngoài đo lường kỳ vọng tỷ giá của thị trường, còn giúp giải toả tâm lý găm giữ ngoại tệ do e ngại cung cầu có thể căng thẳng.

Đặc biệt một số doanh nghiệp như Tập đoàn Masan nhận được khoản tiền chuyển vào mua cổ phần của Masan Consumer đợt một 650 triệu đô la Mỹ từ một đối tác Thái Lan, làm cung ngoại tệ tăng đột biến.

Thứ ba sự dịch chuyển tiền gửi tiết kiệm từ ngoại tệ sang tiền đồng đã rõ nét hơn sau khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ của cá nhân được áp dụng ở mức 0%.

Thứ tư hiện tượng găm giữ ngoại tệ có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi NHNN cảnh báo có thể áp dụng những biện pháp mạnh như phạt và qui ra tiền đồng, nộp dự trữ bắt buộc đối với toàn bộ lượng ngoại tệ vượt trạng thái ngoại hối mà các tổ chức tín dụng nắm giữ. Được biết trạng thái ngoại hối của các ngân hàng hiện tối đa 20% vốn tự có.

Theo TBKTSG