Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ

Tuần trước, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, NHNN đã bán USD nhằm ổn định tỷ giá. Khoảng 200 triệu USD  đã bán cho các ngân hàng thương mại trong tổng số 500 triệu USD mà các ngân hàng gửi đơn xin mua.  
Lần đầu tiên sau sáu tháng, NHNN đã bán đô la Mỹ ra thị trường.

Trước đó, NHNN cũng đã làm việc với một số đầu mối có nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu để giải quyết các vướng mắc. Tất nhiên cơ quan quản lý không hỗ trợ ngoại tệ trực tiếp cho doanh nghiệp, mà thông qua một ngân hàng lớn nơi Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Giới ngân hàng nhận xét đây là động thái tích cực để “cắt” nguồn cầu bất ngờ, có thể ảnh hưởng đến thị trường. Từ trước đến nay, mỗi khi một đầu mối xăng dầu nào đó cần mua chừng 100-150 triệu USD cho thanh toán nhập khẩu, là y như rằng tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng biến động. 

Việc NHNN bán ngoại tệ cho các ngân hàng là động thái tích cực thứ hai, nó phát đi tín hiệu cơ quan quản lý đã linh hoạt và dứt khoát hơn trong điều hành tỷ giá. Hành động cụ thể này có sức nặng hơn rất nhiều so với các bài phát biểu trấn an thị trường vốn dĩ không mang lại hiệu quả tối đa như nó cần phải có. Theo quy định từ nhiều năm nay, Thống đốc NHNN có quyền sử dụng 1 tỉ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường vàng và tỷ giá. Con số trên không còn được nhắc đến cho tới gần đây khi NHNN bổ nhiệm mới người đứng đầu Vụ Chính sách tiền tệ. Giữa tháng 5-2015, ông Bùi Quốc Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê, đã được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - vụ này đang điều hành tỷ giá. Bộ phận kinh doanh ngoại tệ của một số ngân hàng cho biết người đứng đầu Vụ Chính sách tiền tệ phát đi thông điệp đã có trong tay lượng quota ngoại tệ khá lớn, có thể lớn hơn cả mức 1 tỉ USD để can thiệp nếu cần.

NHNN bán ra ngoại tệ với giá 21.820 đồng/USD như niêm yết vài tuần nay. Ngay lập tức tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng dịu lại, chạy từ mức 21.830 đồng/USD trước đó xuống 21.815 đồng/USD. Giá niêm yết đô la Mỹ chuyển khoản bán ra của các ngân hàng vẫn xoay quanh 21.840 đồng/USD. Sở dĩ giá niêm yết bán ra của các tổ chức tín dụng chưa giảm là do mức âm trạng thái ngoại hối của họ còn cao. Đã có thời điểm mức âm trạng thái ngoại hối của hệ thống có thể đã vượt lên 1,2 tỉ USD theo số liệu tổng hợp từ các ngân hàng. Nếu nhu cầu xin mua ngoại tệ của các ngân hàng tiếp tục được đáp ứng, trạng thái ngoại hối có khả năng trở lại mức cân bằng.

Cùng với việc bán ra ngoại tệ, nhà điều hành đã nâng lãi suất trên thị trường mở, lãi suất tín phiếu ngân hàng các kỳ hạn nhằm hạn chế việc đầu cơ ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Theo kết quả đấu thầu thị trường mở của NHNN, ngày 2-6-2015 lãi suất kỳ hạn 14 ngày ở mức 3,5%/năm; kỳ hạn 91 ngày 3,9%/năm. Hai ngày sau ngày 4-6-2015, lãi suất kỳ hạn 14 ngày được nâng lên 3,8%/năm và kỳ hạn 28 ngày được áp dụng mức 3,9%/năm.

Mối quan tâm của thị trường hiện nay xoay quanh khả năng NHNN sẽ tiếp tục can thiệp bán ra ngoại tệ ở mức độ nào. Việc bán ra đang phụ thuộc lớn vào quỹ dự trữ ngoại hối. Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn ngày 29-9-2014, Thống đốc NHNN công bố dự trữ ngoại hối hơn 35 tỉ USD. Cuối năm ngoái, một số tổ chức tài chính quốc tế nhận định dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 36 tỉ USD. Tuy nhiên, trong báo cáo của NHNN tháng 5-2015 vừa qua về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc chỉ đề cập đến tái cơ cấu ngân hàng và nợ xấu. Số liệu dự trữ ngoại hối không được cập nhật. Ngân hàng HSBC trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2015 đưa ra số liệu hiện dự trữ ngoại hối còn 33,8 tỉ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu. Như vậy dự trữ ngoại hối đã giảm.

Nên nhớ dự trữ ngoại hối của ta hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế là đảm bảo 12 tuần hay ba tháng nhập khẩu. Việc bán ngoại tệ, do đó, sẽ không chỉ dựa trên sự cập nhật số liệu quỹ dự trữ ngoại hối, mà còn căn cứ vào số liệu nhập siêu năm tháng đầu năm và nhất là nửa đầu năm, cũng như dự báo cả năm. Trong trường hợp nhập siêu từ nay đến cuối năm xấp xỉ 800 triệu đến 1 tỉ USD/tháng như dự báo của một số chuyên gia kinh tế, thì việc can thiệp tỷ giá bằng việc bán ra ngoại tệ để giữ cho bằng được cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay cần phải được cân nhắc.

Thủ tướng trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ đã chỉ đạo “tỷ giá không chỉ nhìn trong nước mà liên quan đến toàn thế giới, các nước điều chỉnh đều ảnh hưởng tới chúng ta. NHNN phải theo dõi sát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường”. Tín hiệu thị trường hiện tại vẫn đang ủng hộ một tỷ giá linh hoạt, không cứng nhắc và không loại trừ khả năng có sự bứt phá nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD trong năm nay. 

Theo TBKTSG