|
Trong khi các ngân hàng trong nước rầm rộ công bố lợi nhuận và kết quả hoạt động năm 2014 thì khối ngân hàng nước ngoài vẫn im thin thít. Đây cũng là động thái của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Đến thời điểm này, Việt Nam có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài là HSBC Vietnam, Standard Chartered Vietnam, Shinhan Vietnam, ANZ Vietnam, Hong Leong. Ngoài ra, còn có 4 ngân hàng liên doanh, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 49 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài và 2 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, gồm Home Credit và Prudential.
Tuy vậy, sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, lỗ, lãi của các ngân hàng này vẫn khá bí ẩn bởi các số liệu rất ít khi được công khai.
Sau hơn 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Standard Chartered Vietnam mới duy nhất một lần công bố tổng doanh thu và lợi nhuận của năm 2010 với mức lợi nhuận trước thuế 4,2 triệu USD. Con số lợi nhuận mà HSBC Vietnam công bố lần gần đây nhất cũng là kết quả kinh doanh của năm 2012, với mức lãi gần 1.900 tỷ đồng.
Tuy không công bố, song nhiều người trong giới ngân hàng nhận định, lợi nhuận của khối ngân hàng nước ngoài những năm qua là rất khá. Đơn cử như HSBC, dù số vốn điều lệ năm 2012 chỉ 3.000 tỷ đồng, song số lãi thu về đã lên tới 1.900 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, lợi nhuận khủng mà các ngân hàng thu về một phần từ thương vụ tư vấn mua bán cổ phần, thu xếp các vụ phát hành trái phiếu, bán lẻ, kinh doanh ngoại tệ, hỗ trợ các DN FDI…
Riêng trong lĩnh vực thu xếp phát hành trái phiếu, mua bán cổ phần, khối ngân hàng ngoại hiện đang nắm giữ hầu hết các khách hàng lớn trong nước.
Đơn cử, hồi đầu tháng 11/2014, HSBC, Standard Chartered Bank và Deutsche Bank đóng vai trò là tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD cho Chính phủ Việt Nam với lãi suất khá thấp.
Đầu tháng 12/2014, Standard Chartered và Ngân hàng Societe Generale Corporate and Investment cũng đã hỗ trợ Masan Consumer phát hành trái phiếu thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm lần đầu tiên với sự bảo lãnh từ tổ chức đầu tư và bảo lãnh tín dụng CGIF thuộc ADB.
Bên cạnh đó, hàng loạt các vụ phát hành trái phiếu quốc tế của các tập đoàn lớn trong các năm trước đó như: Vinacomin, Vingroup, BIDV, HAG...cũng đều được các ngân hàng đầu tư lớn của thế giới đang hoạt động tại Việt Nam thu xếp.
Trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tư, tài trợ doanh nghiệp, lĩnh vực họat động của nhóm ngân hàng ngoại cũng rất mạnh. Cụ thể, trong khi ANZ, HSBC, CitiBank... đẩy mạnh bán lẻ thì các ngân hàng như Standard Chartered Bank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Morgan Stanley (và cả HSBC)… đẩy mạnh đầu tư.
Rõ ràng, những miếng bánh béo bở trên thị trường Việt Nam đang được các ngân hàng ngoại âm thầm chiếm lĩnh, đây có thể là lý do các ngân hàng ngoại lãi lớn tại Việt Nam thời gian qua.
Theo Đầu tư