Nghìn tỷ tiền vay ngân hàng
Sau khi Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K, đơn vị thực hiện kiểm toán KSS từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính đính kèm. Sở Giao dịch chứng khoán HCM (HSX) đã có văn bản thông báo về việc KSS có khả năng bị hủy niêm yết.
Hiện tại, không chỉ các cổ đông nhỏ lẻ, mà những chủ nợ của KSS cũng đang ngồi trên đống lửa bởi khả năng trả nợ của KSS là mong manh hơn bao giờ hết.
Tính đến 31/12/2015, nợ phải trả của KSS lên tới 1.464 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn. Đa phần các khoản nợ phải trả này là nợ vay ngân hàng, 1.039 tỷ là số tiền vay và nợ thuê tài chính; trong đó, Ngân hàng phát triển khu vực Bắc Kạn – Thái Nguyên cho vay 53 tỷ đồng, Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) – CN Bắc Kạn cho vay 948 tỷ đồng (ngắn hạn)
Theo thuyết minh của KSS, khoản vay ngân hàng BIDV – CN Bắc Kạn theo các hợp đồng vay ngắn hạn từng lần để chi trả tiền lương, thiết bị công cụ dụng cụ sản xuất, nhiên liệu và các hoạt động sản xuất khác. Hạn mức tín dụng theo từng hợp đồng. Lãi suất thả nổi theo từng thời điểm hợp đồng vay dao động từ 10-15%.
Như vậy, nếu tính cả 39 tỷ đồng vay dài hạn, tổng cộng con số mà KSS đang nợ BIDV – CN Bắc Kạn là 1.048 tỷ đồng.
Nếu tính cả số lãi mà KSS đang chưa có khả năng thanh toán con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều.
Bởi theo BCTC 2015, khoản mục “Lãi tiền vay” năm 2015 của KSS lên tới 169 tỷ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tham chiếu sang báo cáo lưu chuyển tiền tệ, KSS mới thanh toán được vỏn vẹn 10 tỷ tiền lãi vay và 778 triệu tiền nợ gốc vay trong năm 2015.
Dấu hỏi về tài sản đảm bảo?
Ở một câu chuyện khác, KSS đang rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu khi việc bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Dĩnh và bà Hà Thị Thu Huyền ngày 29/5/2015, Cơ quan an ninh đã tạm giữ luôn chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính của Công ty từ tháng 4/2015 trở về trước.
Cực chẳng đã, Ban điều hành KSS phải “cầu viện” tới Kiểm toán viên tiền nhiệm để cung cấp các tài liệu liên qua đến số dư tạm thời ngày 31/12/2014 của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán. Do chưa nhận được hồi âm nên KSS không thể cung cấp đầy đủ số liệu cho đơn vị kiểm toán, chính vì vậy, KSS có khả năng bị hủy niêm yết khi công công ty kiểm toán không thể đưa ra ý kiến của mình về báo cáo tài chính.
Chưa hết, Ban điều hành KSS còn không thể giải trình được việc thiếu hụt giữa kiểm kê thực tế so với số dư trên báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2015 của nguyên liệu, thành phẩm, hàng hóa có giá trị là 242 tỷ và khoản chênh lệch của các khoản đầu tư vào Công ty con mà Công ty đang ghi nhận đang lớn hơn giá trị vốn góp mà Công ty con đang ghi nhận trên Báo cáo tài chính là 8,2 tỷ đồng. Vì vậy, công ty ghi nhân giá trị thiếu hụt của 2 khoản này về khoản mục “tài sản thiếu chờ xử lý” chờ ý kiến của Đại hội cổ đông.
Câu hỏi được đặt ra, đến bản thân ban điều hành của KSS còn không biết được tài sản của mình thiếu hụt ở đâu thì với ngân hàng việc kiểm tra giám sát thu hồi (nếu có) những tài sản đảm bảo (đa phần là tài sản) sẽ còn gian nan đến nhường nào./.
Tài sản KSS còn lại gì?, Tại sao một loạt thư phát đối chiếu công nợ đến hầu hết các đối tượng công nợ của các khoản mục “Phải thu khách hàng” “Trả trước người bán”, “Phải thu về cho vay ngắn hạn”, “phải thu khác”… đều không được hồi đáp, mối liên hệ giữ doanh nghiệp và ngân hàng ra sao, trách nhiệm cán bộ ngân hàng thế nào, mời độc giả đón đọc kỳ tới.
Hoàng Nguyên - Ninh Giang