Tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon tháng 11/2010, các nước thành viên NATO đã thông qua Chiến lược mới mang tựa đề "NATO vào năm 2020: nền an ninh được bảo đảm và sự tương tác năng động". Chiến lược này được chuẩn bị trên cơ sở các đề xuất của một nhóm chuyên gia đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Mỹ Madelen Albright-người đã từng đưa ra luận điểm khiến cả thế giới bị sốc rằng “vì nhân quyền cao hơn chủ quyền” nên NATO “buộc” phải tấn công Nam Tư trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999 để loại bỏ Tổng thống nước này, ông Milosevich.
Từ Chiến lược mới của NATO năm 2010 có thể nhận thấy, NATO đang thay đổi theo hướng toàn cầu hoá chức năng và nhiệm vụ, trong đó mở rộng đáng kể cách giải thích Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Điều 5 quy định các điều kiện sử dụng sức mạnh quân sự của liên minh này, theo đó một quốc gia nào đó tiến công một thành viên NATO cũng có nghĩa là tiến công vào toàn khối, nên NATO có nghĩa vụ đánh trả. Còn theo Chiến lược mới, NATO từ một liên minh phòng thủ khu vực thành một cơ chế có chức năng toàn cầu, song trùng với Liên Hợp Quốc và Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ từng bước thay thế vai trò của Liên Hợp Quốc, kết hợp trong đó cả hai chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Theo Chiến lược mới, khái niệm “phòng thủ có hiệu quả” sẽ được mở rộng ra bên ngoài phạm vi lãnh thổ của các nước thành viên NATO. Tương tự như vậy, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu (bao gồm cả thành phần cơ động của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu) cũng thuộc nội dung Chiến lược mới của NATO. Một điều đặc biệt đáng lo ngại là điều kiện để thực hiện chức năng chủ chốt của NATO được đề ra trong Điều 5 của Hiệp ước NATO đã mang một hình thức mới. Theo Chiến lược mới, những điều kiện để NATO có thể thực hiện Điều 5 có 3 điểm cần lưu ý.
(1) Những hành động gây thiệt hại đối với xã hội như tiến công vào mạng thông tin, hay còn được gọi là “không gian ảo”. Với lập luận này, hành động tiến công ảo hoặc có thật vào mạng máy tính từ lãnh thổ của một quốc gia nào đó (không loại trừ nước Nga) có thể bị đáp trả bằng hành động quân sự. Như vậy, với điều kiện này, kể từ nay NATO có thể phát động chiến tranh nhằm vào bất cứ quốc gia nào mà không cần phải mượn cớ quốc gia nào đó “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” hay “tài trợ khủng bố” như trong trường hợp Iraq, hoặc cũng chẳng cần phải dựng lên các vụ việc tương tự “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” tương tự như trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
(2) Hành động phi pháp cản trở các đường vận chuyển và bảo đảm quan trọng. Theo điều kiện này, từ nay giới lãnh đạo của Nga sẽ phải suy nghĩ trước khi quyết định đóng van các đường ống dẫn khí đốt sang những nước không chịu trả tiền mua khí đốt hoặc dầu mỏ. Còn những nước mà lãnh thổ của họ có đường dẫn ống khí đốt của Mỹ và EU đi qua có thể bị can thiệp bất cứ lúc nào nếu đường ống dẫn này gặp sự số kỹ thuật. Cũng xuất phát từ điều kiện đó, hành động của Nga ở Bắc Cực nhằm bảo đảm quyền kiểm soát quốc gia đối với tài nguyên ở thềm lục địa cũng có thể bị liệt vào hành động vi phạm Điều 5 trong Hiệp định của NATO.
(3) Những thách thức tuy không tạo ra nguy cơ an ninh trực tiếp đối với NATO nhưng lại uy hiếp công dân của các thành viên NATO ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Nghĩa là, nếu Nga quyết định xem xét lại các điều kiện mang tính chiếm đoạt của một số nước trong hoạt động khai thác dầu mỏ theo phương thức nhượng quyền trên đảo Sakhalin, hoặc yêu cầu thực hiện đúng các điều kiện bảo vệ môi trường sinh thái, thì ở đó có thể xuất hiện Hạm đội của NATO để can thiệp.
Nước Nga cần phải mạnh
Theo V.Putin, ngày nay thế giới đang chứng kiến những nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế đang mất dần hiệu lực và bị chà đạp nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc tế. Trong những điều kiện đó, nước Nga không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế để hóa giải mâu thuẫn trong việc giải quyết xung đột.
Nước Nga đang đứng trước nhiệm vụ xây dựng và phát triển tiềm lực quân sự trong khuôn khổ chiến lược răn đe và kiềm chế sao cho ngang tầm với khả năng đủ để phòng thủ. Còn Các lực lượng vũ trang Nga, các cơ quan tình báo và nhiều cơ quan sức mạnh khác cần sẵn sàng nhanh chóng phản ứng có hiệu quả đối với những thách thức mới. Đây là điều kiện cần thiết để nước Nga cảm thấy mình được an toàn, còn các quan điểm và lập luận của Nga sẽ được các đối tác chấp nhận tại các diễn đàn quốc tế khác nhau.
Lối thoát ở đây chỉ có một: đó là xây dựng quân đội kiểu mới, một đội quân hiện đại, cơ động, luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đây là một quá trình rất khó khăn, nhưng trong bất kỳ hoản cảnh nào nước Nga không cho phép mình lặp lại thảm kịch của năm 1941: khi đó nhà nước và quân đội Liên Xô chưa sẵn sàng tiến hành chiến tranh và phải trả giá bằng sự tổn thất lớn lao.
Một trong những thành tựu đáng kể nhất và quan trọng nhất của Tổng thống Nga V.Putin kể từ khi nhậm chức vào năm 2000 là đã tổ chức lại và hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Nga mà chiến dịch chống khủng bố ở Syria đã chứng tỏ. Đồng thời, ông đã thực hiện thành công chiến lược xây dựng một nền kinh tế độc lập, đủ sức vượt qua cuộc chiến tranh bao vây cấm vận của Phương Tây. Tổng thống Nga V.Putin đã sớm nhận ra nguy cơ cuộc chiến tranh này khi ông lần đầu tiên bước chân vào Điện Kremlin. Theo ông, sớm hay muộn, Phương Tây sẽ bao vây cấm vận Nga. Do đó, nếu không có cuộc khủng hoảng Ukraine hay cuộc chiến ở Syria, thì Phương Tây sẽ tìm ra nguyên cớ khác để chống phá Nga./.