|
Siêu tăng Armata của Nga được cho là có thể robot hóa |
Trong một bài báo gần đây xuất hiện trên tạp chí the National Interest đã nói về xu thế tự động hóa mạnh hơn, bao gồm sử dụng các vũ khí kiểm soát từ xa và chiến tranh tự động hóa sẽ gia tăng đẩy quân đội Nga vào thế bất lợi.
Nga không có các công nghệ tương đương phương Tây về các hệ thống tự động hóa và bị cho là thiếu khả năng phát triển các hệ thống tương tự cho mình trong tương lai. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đi sau phương Tây về các hệ thống kiểm soát tự động, các máy bay không người lái tấn công và các loại thiết bị điện tử tiên tiến.
Chính phủ Nga đã thừa nhận sự chênh lệch này và gần đây đã cải thiện tình hình thông qua hợp tác với công nghiệp quân sự phương Tây. Tuy nhiên, việc đóng băng hợp tác quân sự giữa các nước thành viên NATO và Nga sau khi sáp nhập Crimea và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã nhanh chóng loại bỏ việc Nga mua được các công nghệ quân sự và lưỡng dụng của phương Tây.
Tuy nhiên theo truyền thông Nga, việc Nga thiếu các công nghệ cạnh tranh được với phương Tây trong việc phát triển các loại vũ khí không đúng. Dưới đây là một số cú sốc nổi bật về vấn đề này:
1. Quân đội phát xít Đức đã hứng chịu một cú sốc lớn năm 1941 khi đương đầu với các xe tăng Nga như KV1 và T-34 còn tiên tiến và uy lực hơn các xe tăng Đức cùng thời.
2. Cú sốc Mỹ trải qua năm 1949 khi Liên Xô thử quả bom hạt nhân đầu tiên.
3. Cú sốc khi không lực Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề khi đương đầu với các máy bay chiến đấu MiG-15 của Liên Xô trong chiến tranh Triều Tiên.
4. Mỹ trải qua một cú sốc lớn hơn khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957, chứng tỏ khả năng tấn công Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
5. Cú sốc khác xảy ra vào những năm 1960 khi không lực Mỹ thấy rằng họ không thể áp đảo Hà Nội, với lực lượng không quân nhân dân Việt Nam non trẻ được trang bị các chiến đấu cơ của Liên Xô sản xuất.
6. Israel phải hứng một cú sốc trong năm 1973 trong cuộc chiến Yom Kippur khi quân đội Do Thái phải đối đầu với các tên lửa chống tăng do Liên Xô chế tạo.
7. Cú sốc tiếp theo là cuộc chiến Lebanon 2006 khi quân đội Israel hứng chịu tổn thất nặng nề trước lực lượng Hezbollah trang bị các tên lửa chống tăng hiện đại của Nga.
Kể từ sau những năm 1970, không có cơ hội để các cường quốc phương Tây chiến đấu chống một kẻ thù được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất của Nga. Tuy nhiên, thất bại gần đây của không quân Anh và Mỹ trong các cuộc tập trận giả định với không quân Ấn Độ được trang bị các chiến đấu cơ Su-30MKI đã nói lên nhiều điều.
Mỹ và Israel lo lắng về việc Nga bán cho Iran các hệ thống phòng không S-300 cũng cho thấy phương Tây lo sợ về năng lực đáng gờm của vũ khí Nga. Ngoài ra, có báo cáo hải quân Mỹ đã không dám triển khai gần Crimea trong thời gian khủng hoảng tháng 3/2014 do Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion ở khu vực này.
Nhưng báo chí Nga cũng thừa nhận the National Interest chính xác khi nói về tình trang tụt hậu của Nga so với Mỹ về chiến tranh không người lái. Tuy nhiên, đó không phải do sự tụt hậu về công nghệ. Liên Xô vào những năm 1980 đã có một chương trình sản xuất máy bay không người lái tiên tiến. Tiếc là cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, chương trình này đã phá sản theo. Hiện nay Nga đang tích cực triển khai chương trình chế tạo máy bay không người lái và những phiên bản đầu tiên đã được đưa vào phục vụ. Chương trình chiến tranh robot của Nga cũng đã cho kết quả tốt.
Một điểm tương tự là về hệ thống vệ tinh quân sự GLONASS của Nga. Hệ thống này đã đi vào hoạt động đầy đủ hàng thập kỷ trước và rất sớm sau khi Mỹ trình làng hệ thống định vị vệ tinh GPS. Nếu như Liên Xô không sụp đổ thì có lẽ hệ thống này còn phát triển mạnh hơn nhiều.
Thực tế như lịch sử ghi nhận cũng như tình hình hiện tại cho thấy, trình độ công nghệ quân sự giữa Mỹ và Nga khá tương đồng. Nhưng kể từ khi Mỹ chi cho quân sự nhiều gấp nhiều lần ngân sách quốc phòng Nga, đôi khi Mỹ trình làng một công nghệ đặc biệt nhanh hơn Nga. Tuy nhiên Nga luôn chứng tỏ mặc dù có khoảng cách về công nghệ, Nga có thể bắt kịp rất nhanh. Hàng loạt các loại vũ khí tối tân mới xuất hiện tại Nga đã minh chứng điều này.
Nên nhớ sự phụ thuộc nặng nề của các máy bay không người lái Mỹ vào kênh liên lạc an toàn là một ví dụ hoàn hảo về trình độ công nghệ của Nga trong việc phát triển các hệ thống tác chiến điện tử cực kỳ tinh vi. Trên thực tế, đã xảy ra việc các máy bay trinh sát không người lái của Mỹ đã bị đoạt quyền kiểm soát và bị thu giữ khi bay trên không phận Crimea và Iran.
T.N