Nga tuyên bố rút lui, Trạm Vũ trụ Quốc tế sắp trở thành một "cuộc chiến không gian"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trạm Vũ trụ Quốc tế được coi là "mô hình hợp tác hiếm có" giữa Nga và phương Tây, tuyên bố rút khỏi ISS của phía Nga đồng nghĩa với việc mối quan hệ hợp tác hơn 20 năm giữa hai bên sẽ đi đến hồi kết.
Ảnh chụp màn hình từ chương trình phát sóng trực tiếp của NASA vào ngày 24/4.
Ảnh chụp màn hình từ chương trình phát sóng trực tiếp của NASA vào ngày 24/4.

Gần đây, Nga đã tuyên bố rằng sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, điều này đã gây được sự chú ý lớn từ thế giới bên ngoài. Trạm Vũ trụ Quốc tế được coi là "mô hình hợp tác hiếm có" giữa Nga và phương Tây, tuyên bố của phía Nga đồng nghĩa với việc mối quan hệ hợp tác hơn 20 năm giữa hai bên sẽ đi đến hồi kết. Tại sao Nga muốn rút lui? Trạm vũ trụ tự xây của Nga sẽ đến từ đâu?

Trạm vũ trụ đang bị "lão hóa" nghiêm trọng

Hình ảnh ISS được chụp từ tàu con thoi Atlantis vào ngày 23/5/2010. Ảnh: NASA
Hình ảnh ISS được chụp từ tàu con thoi Atlantis vào ngày 23/5/2010. Ảnh: NASA

Ông Rogozin, Chủ tịch Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc gia Nga, gần đây đã tuyên bố rằng Nga sẽ rút dần khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế và sẵn sàng xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình. Dự án đang chờ Tổng thống Putin phê duyệt. Trạm vũ trụ tự xây mới sẽ được ra mắt vào năm 2030. Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov gần đây đã tuyên bố rằng Nga sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2025.

Trạm Vũ trụ Quốc tế được thành lập năm 1998. Đây là dự án hợp tác quốc tế của 16 quốc gia gồm Hoa Kỳ và Nga, Nhật Bản, Canada, các quốc gia thành viên Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Brazil cùng tham gia, với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ USD.

Nga có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và điều hành Trạm Vũ trụ Quốc tế. Thành phần đầu tiên của Trạm Vũ trụ Quốc tế là module đầu tiên do Nga sản xuất, đây cũng là nền tảng của trạm vũ trụ. Ngoài ra, vì tất cả các tàu con thoi của Mỹ đã ngừng hoạt động sau năm 2011 nên Nga đã đảm nhận sứ mệnh vận chuyển phi hành gia và hàng hóa từ Trái đất đến Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Thời gian thiết kế ban đầu của Trạm Vũ trụ Quốc tế là đến năm 2015, sau đó nó được gia hạn hai lần đến năm 2020 và 2024. Các thiết bị của Trạm Vũ trụ Quốc tế hiện đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2020, các vụ rò rỉ không khí lần lượt xảy ra trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Soloviev, người đứng đầu bộ phận Trạm Vũ trụ Quốc tế của Nga cho biết, nhiều bộ phận của trạm đã bị hư hỏng nặng và cần được thay thế. Ông dự đoán rằng sau năm 2025, một số lượng lớn các bộ phận của Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ bị hư hại "giống như tuyết lở".

Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, nói rằng những module đầu tiên của trạm vũ trụ, dù là của Mỹ hay Nga, đều đã cũ. Borisov nói rằng tình trạng cấu trúc của Trạm Vũ trụ Quốc tế có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc và không thể mạo hiểm tính mạng của các phi hành gia.

Cuộc chạy đua không gian Mỹ - Nga

Vào ngày 20/11/2016, ba phi hành gia đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Nga đã chụp ảnh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Tân Hoa Xã
Vào ngày 20/11/2016, ba phi hành gia đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Nga đã chụp ảnh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Tân Hoa Xã

Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với Nga, điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ của Nga. Ông Koptev, Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc gia Nga, từng tuyên bố rằng việc Mỹ kiểm soát các linh kiện nhập khẩu là một trong nhiều vấn đề mà ngành hàng không vũ trụ Nga phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế đã mờ nhạt trong những năm gần đây. Jonathan McDowell cho rằng Mỹ không có ý định thiết lập quan hệ đối tác không gian bình đẳng với Nga, và không chắc cả hai bên sẽ thực hiện các dự án lớn.

Phó chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc gia Nga, Savelyev, chỉ ra rằng trong những năm gần đây, kênh liên lạc trực tiếp giữa Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc gia Nga và NASA nói chung đã bị đóng, và Nga và Mỹ sẽ không còn thảo luận các vấn đề vì lợi ích chung của cả hai bên.

Tháng 11/2020, tàu con thoi Crew Dragon của Tập đoàn Space X (Mỹ) thực hiện sứ mệnh không gian thương mại có người lái đầu tiên, mang theo bốn phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Đây được xem là sự khởi đầu của nhiều sứ mệnh thường xuyên trong tương lai mà Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) kỳ vọng, chấm dứt sự lệ thuộc vào tên lửa đẩy của Nga. Giờ đây Mỹ đã có thể tự chủ được trong việc đưa người lên ISS nhờ SpaceX và phi thuyền Crew Dragon.

Một mặt, sự hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đang bị thu hẹp, và Nga và Mỹ đều quan tâm đến việc "bắt đầu lại." Mặt khác, các tranh chấp giữa Nga và Mỹ về vũ khí không gian ngày càng trở nên gay gắt.

Ngày 27/7/2020, hai nước tổ chức cuộc đàm phán an ninh vũ trụ đầu tiên kể từ năm 2013. Nga đề xuất xây dựng hiệp ước hạn chế vũ khí không gian, cấm các nước tham gia triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian, nhằm hạn chế quyền bá chủ không gian của Mỹ. Mỹ thận trọng về việc hạn chế triển khai vũ khí, kêu gọi xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong không gian. Cả hai bên đều có ý kiến ​​riêng và không đạt được thỏa thuận thực chất nào tại cuộc họp.

Ngày 12/4 đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày phi hành gia Liên Xô Gagarin bay vào vũ trụ. Nhân cơ hội này, Nga một lần nữa làm rõ lập trường của mình trong vấn đề không gian. Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, phía Nga đang nỗ lực kêu gọi cấm chạy đua vũ trang và sử dụng không gian một cách hòa bình vì hạnh phúc của toàn nhân loại. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, quan hệ song phương tiếp tục xấu đi, cuộc chơi giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực không gian có thể leo thang và cuộc chạy đua vũ trang có thể gay gắt hơn.

Liệu Nga có thể tự xây dựng trạm vũ trụ riêng mình?

Nga tập trung nguồn lực củng cố vị thế cường quốc trong lĩnh vực không gian.

Nga tập trung nguồn lực củng cố vị thế cường quốc trong lĩnh vực không gian.

Ngày 12/4, ông Putin chủ trì hội nghị không gian và tuyên bố rằng Nga cần phải duy trì vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực hạt nhân và không gian vũ trụ. Theo báo chí Nga, ông Putin đã thảo luận với các quan chức liên quan tại cuộc họp về việc Nga rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Theo hãng tin TASS, Nga có kế hoạch chuyển giao phần Trạm Vũ trụ Quốc tế của Nga cho các đối tác và đã bắt đầu đàm phán với các đối tác. Việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng Nga đã được chuẩn bị và đang chờ Putin phê duyệt.

Vào ngày 12/4, hàng loạt lễ kỷ niệm ngày du hành vũ trụ đã được tổ chức trên khắp nước Nga, hình ảnh anh hùng của Gagarin có thể được nhìn thấy khắp nơi trên trang web sự kiện và các mạng xã hội. Nga dự định kỷ niệm Ngày Phi hành gia, nhớ lại vinh quang trong quá khứ và thể hiện tham vọng không gian của mình.

Dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ của Liên Xô cũ, những năm gần đây Nga không ngừng nâng cao sức mạnh vũ trụ và giữ vững vị thế cường quốc vũ trụ. Nga một mặt sử dụng hệ thống để đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực vũ trụ, mặt khác, nước này tiếp tục phát triển trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.

Về mặt hệ thống, các hoạt động không gian được đưa vào "Luật Hoạt động Không gian của Liên bang Nga" với tư cách là "dự án phát triển ưu tiên cao nhất của Nga trong nước". Vào tháng 1/2020, Nga đã thông qua "Chính sách cơ bản quốc gia về các cam kết không gian trước năm 2030 và trong tương lai".

Về khoa học và công nghệ vũ trụ, GLONASS của Nga và Hệ thống Định vị Toàn cầu của Hoa Kỳ, Galileo của EU và Beidou của Trung Quốc tạo thành bốn hệ thống định vị vệ tinh lớn của thế giới. Theo Hãng thông tấn vệ tinh Nga, Nga dự định sẽ phóng 46 vệ tinh cho hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS vào năm 2034.

Năm 2015, Tổng thống Putin ra lệnh sát nhập Lực lượng Phòng không và Không quân Nga để tạo thành Lực lượng Phòng không và Vũ trụ Nga. Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga Surovkin hồi tháng 7 năm ngoái cho biết kể từ khi Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga được thành lập, vũ khí và trang thiết bị quân sự đã có những thay đổi to lớn, trong đó vũ khí và trang bị hiện đại chiếm hơn 70%.

Hiện nay, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đang chuẩn bị quay trở lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng. Sứ mệnh đầu tiên là phóng tàu đổ bộ Luna-25 (tên gọi cũ là Luna-Glob) lên Mặt trăng vào mùa thu năm nay (có thể vào tháng 10-2021). Đến năm 2023, tàu vũ trụ Luna-26 sẽ được phóng lên Mặt trăng nhằm định vị và lập bản đồ với độ phân giải rất cao.

Theo Tân Hoa Xã