|
Nga phóng thử nghiệm tên lửa hành trình Iskander-K trong cuộc tập trận Zapad - 2017 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga) |
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cuối tuần trước lên tiếng cáo buộc Mỹ cố gắng vượt qua các đối thủ bằng cách chi tiền mạnh tay phát triển vũ khí, sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF). Nhưng lần này, ông Ryabkov nói với hãng RT rằng "Nga sẽ không bao giờ thua trong chạy đua vũ trang" bởi "chúng tôi đã tìm ra biện pháp chi phí thấp để đối phó với bất kỳ thách thức nào mà chúng tôi phải đối diện" và "điều đó sẽ xảy ra một lần nữa, sau khi Mỹ rút khỏi INF".
Thỏa thuận song phương này cấm triển khai các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Cả hai quốc gia đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận trong những năm gần đây, và giờ đây, sự sụp đổ của thỏa thuận làm dấy lên nhiều quan ngại về khả năng các vũ khí truyền thống, vũ khí hạt nhân sẽ xuất hiện trên khắp châu Âu hay nhiều điểm nóng căng thẳng giữa Nga và Mỹ.
"Tôi muốn chỉ ra rằng Nga đã thể hiện hết trách nhiệm đối với vấn đề về an ninh châu Âu và toàn cầu, khi tuyên bố một biên bản ghi nhớ đơn phương về việc triển khai (các tên lửa tầm ngắn và tầm trung), nếu chế tạo các vũ khí như vậy" - ông Ryabkov từng phát biểu - "Mỹ cũng theo chính sách tương tự ở thời điểm hiện tại".
Tuy nhiên, đến tháng trước, ông Ryabkov cảnh báo rằng Moscow "đang bắt đầu chuẩn bị ứng phó trước khả năng Mỹ triển khai nhiều tên lửa mặt đất tầm trung" và rằng "quyết định về các biện pháp đáp trả đang được thực thi". Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc Thiếu tướng Andrei Sterlin - Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - nói rằng "có khả năng Lầu Năm Góc đã quyết định tăng cường chuẩn bị các cơ sở hạ tầng mà không chờ đợi hoàn tất tiến trình pháp lý liên quan đến INF".
Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga - cho rằng "việc tiêu hủy INF không có nghĩa rằng an ninh Nga sẽ bị suy yếu. Các biện pháp đánh chặn hạt nhân đã được Nga chuẩn bị sẵn trước nhiều năm".
Trong bài xã luận đăng tải trên tờ Rossiyskaya Gazeta, ông Slutsky viết rằng "các vũ khí mới nhất của Nga, trong đó có vũ khí siêu thanh, giúp đảm bảo khả năng tiêu diệt kẻ thù bất chấp số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ sở hữu và các hệ thống đánh chặn tên lửa của họ".
"Bởi vậy, sự nguy hiểm của một cuộc chạy đua hạt nhân mới sẽ không lan tới Nga" - ông Slutsky nói thêm - "Tung ra những lời cáo buộc vô căn cứ cho rằng Nga vi phạm thỏa thuận, nhưng thực tế là suốt nhiều năm qua Mỹ đã không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận này, và họ làm đủ mọi cách để các vòng đàm phán về thỏa thuận (INF) không được tổ chức".
Giới chức Nga đã liên tiếp bác bỏ các cáo buộc của Mỹ từ năm 2014 cho rằng Moscow phát triển một tên lửa hành trình. Mãi đến năm ngoái, tên lửa này mới được xác nhận là lớp Novator 9M729. Moscow đã công bố mẫu tên lửa này vào tháng 1 năm nay nhằm dập tắt các cáo buộc của Washington, nhưng chỉ ngay tháng sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố tạm ngừng tuân thủ INF trong 6 tháng, để rồi hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp trả bằng cách tạm ngừng thỏa thuận, cùng lúc tuyên bố một bản ghi nhớ một phía về việc triển khai các vũ khí từng bị cấm theo quy định của INF. Moscow cũng từng cáo buộc Washington vi phạm INF khi lắp đặt các hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan, nơi mà giới chức Nga cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa như Mark 41 có thể được sử dụng để tấn công.
"Trong suốt nhiều năm liền, Washington đã phớt lờ các mối quan ngại nghiêm túc của Nga về việc họ tuân thủ INF" - Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận - "Việc triển khai các dàn phóng MK 41 tại nhiều căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu, có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm trung, đã vi phạm nghiêm trọng hiệp ước".
Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ ra quyết định rút khỏi INF chính là việc ông Trump không thể thuyết phục Trung Quốc tham gia hiệp ước này. Ông Trump đã ra sức kêu gọi thỏa thuận kiểm soát vũ trang kéo dài nhiều thập kỷ giữa Washington và Moscow cần bao gồm cả Bắc Kinh. Dù có số lượng vũ khí hạt nhân ít hơn nhiều so với Mỹ và Nga, nhưng Trung Quốc đang ra sức phát triển sức mạnh tên lửa trong khi không bị hạn chế bởi INF.
"Trung Quốc lấy làm tiếc và cực lực phản đối việc Mỹ khăng khăng đòi rút khỏi Hiệp ước INF, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra phản ứng trước việc Mỹ rút khỏi INF - "Rút khỏi INF là một động thái tiêu cực tiếp theo của Mỹ, phớt lờ cam kết quốc tế của họ và theo đuổi chủ nghĩa đơn phương".
Nhắc lại một số lời chỉ trích của giới chức Nga, bà Hoa Xuân Oánh nói "dự định thực sự của Mỹ là không còn bị hiệp ước trên ràng buộc để họ có thể đơn phương phát triển quân đội và vũ khí chiến lược". Bà nói thêm: "Sau khi rút khỏi Hiệp ước này, nếu Mỹ nối lại hoạt động nghiên cứu, phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung, họ sẽ làm xói mòn sự cân bằng chiến lược và ổn định toàn cầu, làm tăng căng thẳng và suy giảm niềm tin, làm gián đoạn tiến trình giải giáp hạt nhân quốc tế, đe dọa an ninh và hòa bình của các khu vực có liên quan".
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg ủng hộ quan điểm của Mỹ rằng, Nga là bên chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của INF và nói rằng cách phản ứng của khối đồng minh quân sự này sẽ là "cân bằng, hợp tác và phòng thủ".
"Chúng tôi sẽ không làm theo Nga, chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang, và chúng tôi không có dự định triển khai thêm tên lửa hạt nhân dưới mặt đất ở châu Âu" - ông Stolenberg nói - "NATO mong muốn tiếp tục mối quan hệ xây dựng với Nga, nếu các hành động của Nga giúp điều đó trở nên khả thi".
Phản ứng trước phát ngôn của ông Stolenberg, ông Ryabkov nói rằng "bằng việc bắt chước Mỹ để rồi reo rắc thông tin sai sự thật, NATO đang tự khiến họ mất uy tín với tư cách một tổ chức chính trị".
Theo Newsweek