|
Cuộc chiến đẫm máu ở Syria còn lâu mới kết thúc |
Hôm 11/12, trên đường tới Ai Cập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dừng lại tại căn cứ của quân Nga ở Khmeimim, Syria. Tại đây, ông Putin đã chúc mừng quân đội Nga đánh bại được IS và tuyên bố bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria. Trên thực tế, trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại căn cứ Khmeinim, đại diện Không quân Nga đã tuyên bố bắt đầu từ ngày 11/12 sẽ rút phi đoàn máy bay khỏi Syria.
Liệu điều này có nghĩa là cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu từ năm 2011 với sự hậu thuẫn của Mỹ, Ả Rập Xê-út và Qatar đã thực sự chấm dứt? Tất nhiên là không. Phải thừa nhận rằng nhờ Lực lượng không quân Nga cùng các cố vấn quân sự và lực lượng đặc nhiệm mà IS đã không còn là tổ chức khủng bố nguy hiểm trên lãnh thổ mà nhóm này chiếm đóng nữa.
Toàn thế giới đã mừng rỡ đưa tin hôm 9/12, IS đã biến mất chỉ trong một ngày. Nhưng thực tế, lực lượng IS không đi đâu cả, bọn chúng chỉ chia thành các nhóm nhỏ, lẩn trốn và hoạt động ngầm, hình thành nên những tổ chức ngầm trong thành phố và các tụ điểm dân cư. Tính đến cuối cuộc chiến chống IS, số lượng “chiến binh Hồi giáo” đã giảm từ 300.000 xuống còn 25.000 tay súng.
Tuy nhiên, 25.000 người này không thể dễ dàng biến mất chỉ trong một ngày. Trước đó, một số đã trở về cố hương ở châu Âu và Nga, một số lượng lớn chạy sang Libya, Algeria, Afghanistan, Ai Cập, Nigeria và nhiều nước khác. Nhưng phần lớn các tay súng IS lại biến mất chỉ trong thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là các nước cần chuẩn bị áp dụng những phương thức mới chiến đấu chống lại nhóm khủng bố này, bao gồm cả bên ngoài Syria và Iraq. Và không chỉ ở các nước Ả Rập, châu Phi và châu Á, mà kể cả EU, Mỹ và Nga cũng cần phải cảnh giác.
IS đang chuyển từ hình thức chiến đấu trên chiến trường sang hình thức khủng bố và chiến đấu theo kiểu du kích. Và với cách chiến đấu này thì quân đội Nga, cố vấn quân sự hay Lực lượng không quân cũng chẳng giúp được gì. Thay vào đó, việc đối phó với quân khủng bố là công việc của lực lượng an ninh quốc gia, tình báo, cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm, chứ không phải là quân đội.
Tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Putin rõ ràng không phải là Nga sẽ rút toàn bộ quân, mà chỉ là giảm về quân số. Thực tế một số lượng quân được cho là cực kỳ cần thiết sẽ được giữ lại. Nói cách khác sự hiện diện quân sự thiết yếu sẽ được hiểu như là quân số cần thiết để có thể tự bảo vệ chính họ.
Cần lưu ý thêm là tổ chức IS dưới hình thức buộc Nga phải đưa quân can thiệp hồi tháng 9/2015 đã bị tiêu diệt. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có nghĩa là cuộc chiến Syria đã kết thúc hay chưa?
Thực tế, cuộc nội chiến Syria không phải do IS gây ra, mà là do phe đối lập Syria được phương Tây cùng các nước trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh hẫu thuẫn, tài trợ và trang bị vũ khí, được Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ả Rập Xê-út và Qatar đào tạo. Và phe đối lập này đến nay vẫn chưa bị tiêu diệt. Các nhóm nổi dậy đang tận tưởng sự an toàn trong vùng phi leo thang được thiết lập theo thỏa thuận Astana. Và các nhà lãnh đạo chính trị nói trên đang yêu cầu Assad từ chức, trong khi vẫn sống lưu vong ở các nước EU, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy rõ ràng là còn những lực lượng khác ngoài IS như Tahrir al-Sham, các phe phái của Mặt trận Al-Nursa và nhiều nhóm cực đoan khác nhỏ hơn, những nhóm đến nay vẫn chưa bị đánh bại. Phe đối lập hiện đang hoạt động ở Damascus, thường xuyên nã súng vào Đại sứ quán Nga ở đây, cũng như ở Hama, Idlib, Lakatia, Aleppo và ở miền nam và tây nam Syria.
Toàn bộ miền đông Syria hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của người Kurd thuộc Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. SDF hiện kiểm soát 2/3 các mỏ dầu và khí đốt của Syrira và không có nhu cầu quay lại thời kỳ bị chính quyền trung ương kiểm soát. Ngoài ra còn có các đơn vị của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Hezbollah ở Syria, vị trí các lực lượng này hiện liên tục bị Không quân Israel không kích. Gần đây, hàng nghìn binh lính IS đã tiến vào Idlib và chiến đấu với Tahrir-al-Sham. Do đó hiện IS đang ở miền bắc Syria.
Tóm lại, cho dù nếu IS đúng là không còn tồn tại nữa thì cuộc chiến ở Syria vẫn tiếp tục và vẫn diễn ra trên nhiều mặt trận. Và tiến trình chính trị sắp xếp lại trật tự trong nước đã không thành công khi không buộc được phe đối lập và Thổ Nhĩ Kỳ ngồi xuống bàn đàm phán cùng người Kurd.
Tình hình hiện nay có lợi cho Mỹ vì nó cho phép nước này biện minh rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria là điều cần thiết. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là không hài lòng với tình hình hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận việc người Kurd thành lập một thực thể trên lãnh thổ Syria, còn Iran lại thấy thật khó để chiến đấu mà không có sự hỗ trợ của Lực lượng không quân Nga, đặc biệt là ở gần biên giới Syria- Israel.
Do vậy, người Kurd vẫn là một trong những vấn đề chính trong các cuộc hội đàm của ông Putin với ông Erdogan. Nhưng nhìn từ góc độ chiến lược và khu vực thì còn có một vấn đề quan trọng hơn: Đó là việc tiêu diệt IS sẽ dẫn tới nguy cơ lớn, có thể sẽ hiển hiện trong tương lai, tương tự như việc lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq đã gây ra những hệ quả thảm khốc trên toàn khu vực.
Việc chiếm đóng Iraq đã mở ra cánh cửa của một loạt các cuộc “cách mạng màu” trên toàn thế giới Ả Rập, không chỉ gây ra cuộc xung đột giữa dòng Sunni và Shiite mà còn cho phép cuộc xung đột này leo thang căng thẳng lên mức độ mới. Nhưng Tổng thống Mỹ George Bush khi đó không quan tâm đến điều này, đến cuối cùng ông ta không còn là Tổng thống nữa, và những người khác phải đảm nhận công việc dọn dẹp mớ hỗn loạn mà ông ta để lại. Ví dụ như Donald Trump và Vladimir Putin, chưa nói đến các nhà lãnh đạo của các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả-rập Xê-út, Israel, Jordan và Li-băng.
Vì vậy, vẫn quá sớm để nói về việc kết thúc cuộc chiến ở Syria. Cuộc nội chiến này vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng trên các tiền tuyến khác, và dưới hình thức khác. Tương tự, IS không biến mất mà chỉ bước vào giai đoạn hoạt động ngầm mới. Và không thể loại trừ khả năng trong tương lại IS sẽ nổi lên dưới hình thức bán quốc gia, trong khu vực xung đột khác, ví dụ như ở Libya, hoặc Ai Cập, nơi Abdel-Fatteh el-Sisi’s vẫn đang chiến đấu chống nhóm Anh em Hồi giáo và các nhóm khủng bố trên bán đảo Sinai và khu vực Vịnh Ba Tư.
Và câu hỏi quan trọng nhất với khu vực đó là sự đối đầu giữa liên minh Mỹ- Israel- Ả Rập Xê-út và liên minh Shiite do Iran dẫn đầu. Lời đề nghị chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem và tình hình ở Yemen chỉ trì hoãn chứ không ảnh hưởng đến quyết tâm của liên minh ba bên muốn tấn công các căn cứ của Iran trong khu vực.
Điều này không có nghĩa là vấn đề đã được khép lại. Có thể nó sẽ lại được dấy lên vào năm 2018, trước khi bầu cử ở Nga diễn ra. Miễn là chế độ hiện tại ở Ả Rập Xê-út không sụp đổ sau làn sóng đàn áp của thái tử Muhammad bin Salman dẫn đầu. Và phiến quân Houthis có thể ổn định tình hình ở Yemen sau vụ ám sát Ali Abdulleh Saleh. Dù đáng buồn nhưng vẫn phải kết luận rằng làn sóng xung đột ở Trung Đông vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm tới.