Nga “tuốt kiếm” ở Syria, Mỹ-NATO hoảng hồn

Từ phóng tên lửa hành trình tầm xa từ tàu ngầm đến các loại chiến đấu cơ tối tân, tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng chiến dịch quân sự tại Syrya để phô diễn sức mạnh quân sự của Nga, The Telegraph (Anh) nhận định.
Chiến đấu cơ Su-34 Nga tác chiến tại Syria

Cho đến mới đây, chỉ Mỹ và Anh là hai quốc gia duy nhất có khả năng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm đánh các mục tiêu trên đất liền. Rồi sau đó, những loạt tên lửa vọt lên khỏi mặt biển Địa Trung Hải và phóng vào bầu trời đã minh chứng rằng Nga đã trở thành thành viên thứ ba của câu lạc bộ ưu tú này.

Các tên lửa hành trình tầm xa phóng từ tàu ngầm Kilo đã cung cấp những bằng chứng rõ rệt về việc tổng thống Putin đã sử dụng chiến dịch quân sự tại Syrian như một sân khấu trình diễn năng lực quân sự của Nga như thế nào.

Các chiến đấu cơ tối tân – trước đó chưa từng được sử dụng trong chiến đấu- cũng đã được phái tới không phận Syria, các xe tăng tốt nhất của quân đội Nga hiện đang chiến đấu trên chiến trường và các tên lửa hành trình chính xác tầm xa.

Trong khi các nhóm phiến quân Syria không hề có hệ thống phòng không hiện đại và  một ít vũ khí tiên tiến. Không có lý do rõ ràng về việc tại sao Nga lại triển khai những loại vũ khí hạng nặng ghê gớm nhất trong kho của mình để tấn công một số đám phiến quân nhỏ.

Các chuyên gia tin rằng mục đích thật sự của ông Putin là gây sự chú ý của Mỹ và NATO. Chi tiêu quân sự của Nga đã tăng ít nhất 50% kể từ năm 2005, ông Putin muốn chứng tỏ rằng quân đội của ông ngang cơ với những đội quân hùng mạnh nhất của phương Tây.

Đòn đánh tên lửa hành trình phát động từ biển Địa Trung Hải hiển nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong màn trình diễn kể trên.

Trong ít nhất 20 năm qua, hải quân Mỹ đã làm mưa làm gió với tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu ngầm lớp Los Angeles. Hải quân hoàng gia Anh cũng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm lớp Trafalgar, và hiện nay đang được các tàu ngầm lớp Astute.

Nên biết rằng các tên lửa hành trình có tầm bắn ít nhất 1.000 dặm. Điều đó cho phép hải quân Mỹ và Anh tấn công các mục tiêu hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, bằng cách sử dụng đòn đánh phát động từ phương tiện náu mình sâu dưới đại dương. Và như vậy, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm là đỉnh cao của sức mạnh hải quân.

Tên lửa Kalir phóng từ tàu ngầm Kilo Nga trên biển Địa Trung Hải đánh các mục tiêu khủng bố tại Syria

Hải quân Mỹ-Anh đang bị Pháp thách thức khi nước này sẽ trang bị tên lửa hành trình cho các tàu ngầm lớp Barracuda sẽ được biên chế cho hải quân Pháp vào năm 2017. Trung Quốc cũng đang phát triển một phiên bản của loại vũ khí này.

Tuy nhiên Nga mới là quốc gia trình làng đầu tiên. Kremlin đã nhanh chóng công bố đoạn video chiếu cảnh các tên lửa hành trình Kalibr vọt lên khỏi mặt biển bay về hướng Syria. “Theo kết quả các đợt phóng tên lửa từ máy bay và tàu ngầm, tất cả các mục tiêu dự kiến đều bị tiêu diệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo.

Tuy nhiên, liệu các tên lửa hành trình đắt đỏ có đáng dùng để tiêu diệt các mục tiêu không được bảo vệ tại Syria hay không là câu hỏi, theo Brigadier Ben Barry, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược. Tuy nhiên chi phí và tính hiệu quả có thể không phải là sự tính toán của Nga. “Nếu tôi là một sĩ quan tham mưu Nga, tôi sẽ nói: “Nó có hiệu quả răn đe – NATO sẽ phải  ngồi xuống và lưu ý về việc này”, ông Brig Barry nói.

Trước đó, Nga đã phát động đòn đánh tên lửa hành trình tầm xa từ các chiến hạm ở biển Caspian. Đây cũng là lần đầu tiên hải quân Nga phóng tên lửa hành trình từ tàu mặt nước. “Đó là một yếu tố thể hiện năng lực để giành được mục tiêu cấp độ chiến lược rộng lớn hơn. Nếu họ muốn răn đe thứ mà họ xem là sự phiêu lưu của một khối NATO vô trách nhiệm, nó sẽ giúp thể hiện Nga có khả năng đánh đòn tên lửa hành trình tầm xa từ cả chiến hạm mặt nước và tàu ngầm”, ông Brig Barry nêu rõ.

Theo Barry, dân thường Nga vốn đang phải chịu hậu quả của trừng phạt kinh tế trong khi Nga tăng ngân sách quân sự, cũng là một đối tượng được nhắm tới có chủ đích. “Việc này giúp biện minh với công chúng Nga rằng các nguồn lực được đưa vào hiện đại hóa quân đội”, Brig Barry nói thêm.

Quả ngọt khác của chương trình hiện đại hóa quân đội của ông Putin đã được xuất lộ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch viễn chinh tại Syria hôm 30/9. Không quân Nga đã được bàn giao 46 chiến đấu cơ Su-34 Fullback tối tân. Các máy bay chiến đấu tiên tiến trên hiện nay đã được điều tới chiến trường Syria, tiêu diệt các mục tiêu và không nghi ngờ rằng chúng sẽ cho phép các chuyên gia Nga đánh giá năng lực chiến đấu.

Đầu tháng 12 này, nổi lên thông tin xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 tiên tiến nhất của lục quân Nga đã được triển khai tại chiến trường Syria. Loại xe tăng T-72 cũ tỏ ra dễ bị tổn thương trước các tên lửa chống tăng của phiến quân.

Tuy nhiên các xe tăng T-90 lại được bảo vệ bởi hệ thống giáp chủ động “Shtora”, một hệ thống bảo vệ có thể vô hiệu cơ chế dẫn đường của bất cứ tên lửa chống tăng nào đang bay tới. Hệ thống giáp bảo vệ chủ động này hiện nay cũng sẽ được thử lửa trong thực tế chiến trường Syria.

Trên không, Nga đã điều các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 Blackjack tới tấn công các mục tiêu tại Syria. Loại máy bay ném bom siêu âm ban đầu được thiết kế như sự đáp trả của Nga đối với loại máy bay ném bom Rockwell B1 Lancer. Nhiệm vụ tiên quyết của máy bay Tu-160 là thâm nhập vào các không phận có lưới phòng không dày đặc và phóng đòn vũ khí hạt nhân.

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại Syria ảnh: RT
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Nga lần đầu tiên tham gia chiến dịch không kích tại Syria

Không có những lý do quân sự rõ ràng để điều động một lực lượng ghê gớm như vậy nhằm trừng phạt các nhóm phiến quân Syria – tất nhiên trừ phi rằng mục tiêu của Nga là gây ấn tượng với một nhóm cử tọa lớn hơn.

Nhưng còn có những bài học khác ít rõ ràng hơn từ màn trình diễn táo bạo của ông Putin. Nếu như có loại vũ khí nào đó không được phô diễn tại chiến trường Syria, rất có thể nó hiện nay hoàn toàn không vận hành tốt.

Nhiều năm nay, giới quan sát phương Tây luôn nghi ngờ về năng lực tác chiến của tàu sân bay duy  nhất của hải quân Nga là hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov. Với địa thế bờ biển của Syria bên Địa Trung Hải, quốc gia này rất dễ tấn công bởi các đòn không kích phát động từ tàu sân bay.

Tuy nhiên, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov rõ ràng đã vắng mặt trong chiến dịch quân sự tại Syria. Ông Putin đã tận dụng cơ hội thể hiện cho phương Tây thấy tất cả hỏa lực dưới quyền chỉ huy của ông. Nhưng ông cũng đã hé lộ thứ mà ông không có, theo The Telegraph.

Theo QPAN